Thương mại điện tử Việt Nam dự báo bùng nổ dịp cuối năm
Bất chấp Covid-19, mua sắm online tại Việt Nam vẫn tăng trưởng đều và dự báo sẽ bùng nổ vào những ngày khuyến mại cuối năm.
Thống kê cho thấy ngay ở những tháng tăng trưởng thấp nhất, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020 vẫn cao hơn năm ngoái. Dự báo cuối năm vẫn sẽ bùng nổ mua sắm ở những ngày như 11/11, 12/12, Black Friday.
Criteo, nền tảng quảng cáo cho nhiều trang thương mại điện tử lớn hiện nay, đưa số liệu cho thấy khoảng giữa tháng 3 năm nay sức mua online tại Việt Nam có giảm. Tuy vậy, biểu đồ lập tức tăng lên ở tháng tiếp theo và giữ đều cho đến nay.
Điều này cho thấy Covid-19 có ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ online, đặc biệt vào giai đoạn cách ly xã hội, nhưng sức mua ngay sau đó phục hồi trở lại.
Trao đổi với ICTnews, đại diện một trang thương mại điện tử trong top 3 tại Việt Nam thừa nhận Covid-19 khiến tăng trưởng chậm hơn trước, tuy nhiên sức mua vẫn cao hơn năm ngoái.
Mới đây trong ngày 1/11, MoMo kết hợp với các nhà bán hàng tung ra loạt chương trình giảm giá. Ví điện tử này cho biết trong chưa đầy 16 tiếng, sự kiện có 1,2 triệu người dùng tham gia với hơn 2,6 triệu đơn hàng khuyến mại được mua. Chứng tỏ người dân sẵn sàng mua sắm online giai đoạn này, nhất là khi có nhiều thương hiệu giảm giá.
Trước đó, trong chiến dịch 10/10, Tiki tăng doanh số hơn 30% so với đỉnh lịch sử của chiến dịch 9/9 - vốn đạt doanh số cao nhất trong vòng 10 năm nay của sàn thương mại điện tử này. Doanh số đó thậm chí cao gấp 3,5 lần và số lượng sản phẩm bán ra tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân bùng nổ mua sắm cuối năm, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki, cho rằng kinh tế hồi phục hậu Covid-19 đóng vai trò quan trọng.
Criteo dự báo đỉnh điểm mua sắm năm nay tại Việt Nam sẽ rơi vào hai ngày 11/11 và 12/12, bất chấp dịch bệnh diễn biến ra sao.
Những mặt hàng được mua nhiều nhất thường ngày và cả trong các sự kiện khuyến mại vẫn là điện tử, điện thoại, máy tính, thời trang, mỹ phẩm. Nếu dịch bệnh phức tạp, một số ngành hàng phụ như đồ ăn dự trữ, đồ dùng gia đình sẽ tăng trưởng thêm, ông Steven Nguyen, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á tại Criteo trả lời ICTnews.
Giảm mạnh giá bán, tăng thời hạn bảo hành, tặng quà, sản phẩm độc quyền... là những chiêu thức để nhà bán hàng thu hút khách mua. Rất nhiều người khi có nhu cầu mua hàng cũng chờ vào những ngày siêu giảm giá cuối năm để móc hầu bao. Nỗ lực từ nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử, kết hợp với nhu cầu mua sắm cuối năm dâng cao, sẽ tạo nên doanh số mua bán bùng nổ.
Theo số liệu của Criteo, Ngày độc thân (11/11) năm 2019 chứng kiến mức tăng 414% doanh số bán lẻ trực tuyến và tăng 273% lưu lượng (traffic) bán lẻ trực tuyến ở Đông Nam Á, so với ngày thường.
Tại Việt Nam, doanh số và lưu lượng bán lẻ trực tuyến tăng đáng kể, lần lượt là 117% và 55%, tỷ lệ chuyển đổi cũng tăng 42%. Mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước ghi nhận 11%. Thời trang/đồ cao cấp có doanh số bán hàng tăng vọt, ở mức 118%; tương tự như vậy, các nhà bán lẻ máy tính/công nghệ cao có doanh số bán hàng tăng 114%.
Trên toàn Đông Nam Á, Ngày độc thân vẫn là sự kiện mua sắm lớn nhất ở các quốc gia bao gồm Singapore, Malaysia và Việt Nam. Trong khi đó, tại Indonesia, ngày 12/12 là thời điểm mua sắm lớn nhất.
Trung Quốc, nơi khai sinh Ngày độc thân 11/11, chứng kiến sức mua bùng nổ chưa từng có vào năm ngoái. Chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, sức mua riêng tại quốc gia này vượt qua cả ngày Black Friday và CyberMonday trên toàn thế giới cộng lại. Tổng cộng, 38,3 tỷ USD đã được tung ra trong ngày 11/11 so với 7,4 tỷ USD của Black Friday và 9,4 tỷ USD của CyberMonday.
Từ lâu, Ngày độc thân 11/11 không còn chỉ ở Trung Quốc mà lan ra toàn thế giới. Hồng Kông, Đài Loan và Đông Nam Á ghi nhận doanh số khủng trong dịp này.
Ngay sau trào lưu 11/11, các sàn thương mại điện tử và nhãn hàng bắt đầu nghĩ đến một số ngày đôi khác nhằm kích thích mua sắm. Những ngày đôi được thử nghiệm có 7/7, 8/8, 9/9, 10/10.
Tại Việt Nam, ngày 7/7 và 8/8 có mức tăng doanh thu bán lẻ lần lượt là 64% và 61%. Doanh thu bán lẻ trong tháng 9 cũng tăng trưởng đáng kể trong ngày 9/9 ở mức 213%, theo ghi nhận của Criteo. Nhiều quốc gia khác trong khu vực diễn ra tình trạng tương tự.
Những ngày bùng nổ doanh số trên sàn thương mại điện tử là do chính sách ưu đãi đến từ nhiều bên, kích thích nhu cầu mua sắm của người mua. Hết khuyến mại, nhu cầu mua sắm trở lại bình thường, không giảm.
Trong bối cảnh quy mô mua sắm online tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực còn thấp, Criteo nhận định các chương trình kích cầu mua sắm - chẳng hạn vào những ngày đôi - giúp người dùng biết đến và quen với việc mua hàng qua mạng. Các hoạt động đó sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận