24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thương chiến Trung - Mỹ leo thang: Cần làm gì để giảm bớt những hệ lụy

Sau khi Hoa Kỳ ngày 1-8 tuyên bố sẽ áp thuế suất 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại từ ngày 1-9, đồng nhân dân tệ (NDT) đã đột ngột xuống dưới ngưỡng 7 NDT/USD, mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Trung Quốc đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ngừng mua nông sản của Mỹ. Những động thái mới này nhiều khả năng sẽ sớm gây ra hiệu ứng sóng lan và tác động mạnh lên những nền kinh tế mở và hướng tới xuất khẩu như Việt Nam.

Hai cực đối lập trong độ mở lớn bất thường

Trước hết, như thực tế nhiều năm qua cho thấy, trong điều kiện trình độ phát triển còn khiêm tốn của VN, độ mở nền kinh tế lại "siêu rộng", khiến cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất nhập khẩu luôn bị ảnh hưởng đặc biệt mạnh bởi những biến động của thị trường thế giới.

Các số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy sau nhiều năm phát triển khá mạnh, "rổ GDP" của VN năm 2018 đã đạt gần 235 tỉ USD, xếp thứ 45 thế giới.

Trong khi đó, số liệu của Liên Hiệp Quốc chỉ ra do đã liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng mạnh trong nhiều năm, với gần 246 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu, VN đã chiếm một vị trí "đáng nể": hạng 26 thế giới về kim ngạch xuất khẩu (với nhập khẩu, còn cao hơn 3 hạng, và kim ngạch là 244 tỉ USD).

Từ những số liệu đó, độ mở của nền kinh tế VN ở đầu ra đã là 104,7%, và ở đầu vào là 104,1%, tính chung cả xuất nhập khẩu - tức tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP - thì lên tới 208,7%.

Đây là những độ mở đặc biệt rộng: Chỉ 2 trong 44 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy mô nền kinh tế lớn hơn VN là có độ mở lớn hơn thế, và cả hai đều đã là những trung tâm thương mại ở quy mô toàn cầu từ rất lâu: Hong Kong và Singapore, với độ mở của nền kinh tế lần lượt là 347,1% và 247,2%.

Ngay cả những nước có truyền thống phát triển thương mại lâu đời ở châu Âu như Bỉ, Hà Lan, hoặc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), vốn giữ vai trò trung tâm trung chuyển ở khu vực Trung Đông, vẫn có độ mở của nền kinh tế thấp hơn nhiều so với VN, dao động trong khoảng 149 - 173%.

Độ mở rộng lớn như thế phản ánh một thực tế thống kê khác: hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, Trung Quốc và Mỹ, hiện ở tình trạng đối lập nhau trong xuất, nhập khẩu của VN.

Trước hết, với ước tính 20 tỉ USD, xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay sang thị trường Trung Quốc đang "giậm chân tại chỗ"; còn nhập khẩu đạt 42 tỉ USD, tăng tới 17,1% so với cùng kỳ. Đây là những xu thế khác thường so với nhiều năm trước đó.

Ngược lại, với ước tính 32,5 tỉ USD, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 7 tháng đầu năm nay tăng đột biến ở mức 25,4%, cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ hai năm trước đó; còn nhập khẩu tuy vẫn tăng nhưng chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với những năm gần đây.

Chính vì biến động ngược chiều nhau như vậy cho nên tỉ trọng của thị trường Trung Quốc trong "rổ hàng hóa nhập khẩu" của VN hiện đã tăng mạnh, còn tỉ trọng hàng Trung Quốc trong "rổ hàng hóa xuất khẩu" giảm mạnh.

Không cần phải nói, tình hình với hàng hóa Mỹ là ngược lại: tỉ trọng của thị trường Hoa Kỳ trong "rổ hàng hóa xuất khẩu" của VN tăng rất mạnh, còn tỉ trọng trong "rổ hàng hóa nhập khẩu" tuy cũng tăng nhưng không nhiều.

Từ đó, các chỉ số về xuất, nhập siêu của VN với hai thị trường này rơi vào tình trạng đối lập hoàn toàn. Nhập siêu với Trung Quốc đã tăng rất mạnh lên 22 tỉ USD, tương đương 110% so với cùng kỳ. Ngược lại, xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ đạt mức kỷ lục 24,2 tỉ USD, tương đương 293%!

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là ngay trong 13 tháng thương chiến Trung - Mỹ vừa qua, do tổng hòa của nhiều nguyên nhân, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chững lại, còn nhập khẩu tăng mạnh, dẫn đến nhập siêu tăng rất mạnh; còn với thị trường Hoa Kỳ thì do xuất khẩu tăng quá mạnh, còn nhập khẩu không theo kịp, cho nên xuất siêu tăng rất nhanh.

Thương chiến Trung - Mỹ leo thang: Cần làm gì để giảm bớt những hệ lụy

Tác động ngược chiều

Trước thực trạng như vậy, vấn đề bức xúc đặt ra là nếu thương chiến tiếp diễn, khốc liệt hơn, và thậm chí là chiến tranh tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra trong tương lai, thì xuất nhập khẩu của VN, một nước thực sự bị "kẹp giữa" cuộc chiến, sẽ theo chiều hướng nào?

Nhiều khả năng câu trả lời sẽ là các đòn tấn công và đáp trả từ hai bờ Thái Bình Dương sẽ cộng hưởng, gây ra tác động sóng lan và tác động kép rất mạnh, đẩy xuất, nhập khẩu của VN đi theo các chiều hướng nói trên nhanh hơn nữa.

Thứ nhất, với thị trường Trung Quốc, nhập khẩu của VN nhiều khả năng sẽ còn tăng mạnh hơn; và ngược lại, xuất khẩu tiếp tục chững lại, thậm chí có thể giảm, cho nên nhập siêu tiếp tục tăng.

Về mặt trực tiếp, khi Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, đương nhiên các hãng xuất khẩu của nước này sẽ bí đầu ra, bởi riêng thị trường Mỹ hiện chiếm 19,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong điều kiện đó, giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải giảm và giải pháp phá giá NDT để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này trụ lại ở thị trường Hoa Kỳ sẽ được tính đến, bên cạnh việc tìm kiếm những thị trường thay thế.

Đó là chưa nói về mặt gián tiếp, các số liệu có thể càng đi theo chiều hướng cực đoan và các hậu quả càng nguy hiểm nếu VN, mắc kẹt trong cuộc thương chiến, trở thành "điểm trung chuyển - thay đổi xuất xứ" cho hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, đồng NDT giảm giá sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc đắt lên tương ứng. Do vậy, nó vừa có tác dụng ngăn cản hàng hóa nhập khẩu, vừa khuyến khích người Trung Quốc gia tăng tiêu thụ hàng sản xuất trong nước trong điều kiện xuất khẩu khó khăn, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa chững lại, thậm chí giảm sút, do nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc đang chững lại.

Với bối cảnh như thế, sẽ là logic khi cho rằng xuất khẩu của VN sang thị trường này trong thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn nữa, tiếp tục chững lại, thậm chí có thể tăng trưởng âm.

Chính do hai xu thế trái chiều như vậy, rất có thể quy mô và tỉ lệ nhập siêu với thị trường xuất khẩu lớn thứ hai này của VN sẽ còn tiếp tục đạt những kỷ lục mới trong thời gian tới.

Thứ hai, với thị trường Hoa Kỳ, xu thế gia tăng xuất khẩu của VN nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh lên, còn nhập khẩu cũng tiếp tục tăng, nhưng chắc chắn chậm hơn nhiều so với xuất khẩu, dẫn tới xuất siêu ngày càng lớn.

Trước hết, với đòn thuế mới, hầu như toàn bộ lượng hàng hóa giá trị 563 tỉ USD mà Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc, bằng gần 20% tổng kim ngạch nhập khẩu khổng lồ của nền kinh tế số một thế giới, đã hoặc sẽ bị áp thuế.

Điều đó khiến cho hàng hóa "Made in China" kém sức cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, dẫn tới hàng hóa "Made in Vietnam" có cơ hội lấp vào một phần những khoảng trống mà hàng hóa Trung Quốc để lại.

Ở chiều ngược lại, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu nông sản Hoa Kỳ đương nhiên cũng khiến các mặt hàng này phần nào bí đầu ra. Tuy nhiên, với sức cầu rất có hạn, VN hẳn không phải là một mục tiêu quá quan trọng của các nhà sản xuất Mỹ khi họ tìm kiếm thị trường thay thế, đồng nghĩa nhập khẩu các mặt hàng này của VN sẽ tăng, nhưng khó có thể tăng nhanh.

Trong điều kiện xuất nhập khẩu không đồng tốc, quy mô và tỉ lệ xuất siêu của VN với thị trường Mỹ nhiều khả năng sẽ còn đạt những kỷ lục mới.

Tóm lại, trong điều kiện thương chiến Trung - Mỹ leo thang, những vấn đề tồn tại trong xuất nhập khẩu với cả hai thị trường lớn nhất nhì này rất có thể sẽ bùng nổ.

Một nguy cơ là hiển hiện: nếu quy mô và tỉ lệ xuất siêu của VN với Hoa Kỳ mất kiểm soát, khiến VN lọt vào tầm ngắm và hứng chịu các áp đặt thuế quan từ Mỹ, đó có thể là tai họa đã được báo trước với một nền kinh tế có độ mở siêu rộng như nền kinh tế VN.

Ít hi vọng ngưng chiến trong tương lai gần

Ngày 11-8, các chuyên gia của Tập đoàn Goldman Sachs nói nguy cơ cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế đang tăng lên và họ không còn hi vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được một thỏa thuận dàn hòa trước bầu cử tổng thống 2020 nữa.

Goldman Sachs cũng cho biết họ đã giảm dự báo tăng trưởng quý 4 của Mỹ 20 điểm cơ bản, xuống còn 1,8%, bởi tác động lớn hơn dự kiến của cuộc chiến tranh thương mại. 3 kinh tế gia của Goldman Sachs, Jan Hatzius, Alec Phillips và David Mericle giải thích chi phí đầu vào tăng từ chuỗi cung ứng có thể khiến các công ty Mỹ phải giảm bớt hoạt động trong ngắn hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả