24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Mỹ Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thương chiến Mỹ - Trung: Chuyện chưa hồi kết

Cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của bản thân hai nước, đến các quốc gia không liên quan và đến cả kinh tế thế giới

Thứ Sáu ngày 13 của tháng cuối năm 2019 hóa ra lại không phải một ngày “đen đủi” như nhiều người thường nghĩ, bởi trái lại, nó thắp lên hy vọng về khả năng nền kinh tế toàn cầu được vực dậy, thương mại cải thiện và qua đó tạo cơ hội cho kinh doanh, đầu tư tốt hơn - vì cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt với tuyên bố từ cả hai phía rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã đạt được.

“Đây là cột mốc lịch sử trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung”, CNBC bình luận trong một bài viết xuất bản chỉ vài giờ sau “sự kiện trọng đại”. Sở dĩ là “cột mốc lịch sử” vì hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên nhau với thuế suất rất cao đã được hạ xuống. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp giảm được chi phí lưu thông hàng hóa, sản phẩm cạnh tranh hơn, người tiêu dùng giảm thiệt hại… Những điểm tích cực ấy giúp giải tỏa tâm lý doanh nghiệp và nhà đầu tư, hiện diện trên xu hướng tăng điểm của nhiều chỉ số chứng khoán.

Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc cuộc “thương chiến lớn nhất thế kỷ” này đang đi đến đoạn cuối cùng.

18 tháng thương chiến với nhiều thương tích

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khởi động từ ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc dựa theo Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn hành động mà từ lâu Tổng thống Trump đã cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại không công bằng, xâm phạm tài sản trí tuệ…

Cho đến thời điểm này, cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã kéo dài 18 tháng qua. Washington đã đưa ra 4 đợt áp thuế quan vào năm ngoái và 3 lần vào năm nay, với mức thuế từ 10-30%. Đáp lại, Bắc Kinh đã áp thuế lại 7 lần với các mức thuế từ 5% đến 25% đối với hàng hóa của Mỹ. Tính đến nay, Trung Quốc đã áp thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của bản thân hai nước, đến các quốc gia không liên quan và đến cả kinh tế thế giới. Theo một nghiên cứu mới đây của Macrobond, NiGEM, Rabobank về triển vọng kinh tế toàn cầu cho thấy, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong cả năm 2020 và 2021 sẽ là là 2,9%. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần nhất.

Sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu sẽ có ảnh hưởng lan tỏa, mặc dù nó tùy thuộc mức độ chống chịu của từng quốc gia. Nhóm nghiên cứu hy vọng các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục chính sách giảm lãi suất trong năm 2020 trong bối cảnh môi trường kinh tế ngày càng xấu đi.

“Việc áp dụng lãi suất âm đang được thực hiện ở nhiều quốc gia, và chúng tôi không hy vọng eurozone sẽ là một ngoại lệ”, nhóm nghiên cứu nói. “Lý do chính cho việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của chúng tôi nằm ở sự suy yếu đi của hoạt động thương mại và công nghiệp trên thế giới. Trên cơ sở 12 tháng, sự tăng trưởng về khối lượng thương mại thế giới gần với mức âm - Lần cuối cùng điều này xảy ra là gần 10 năm trước, vào tháng 4/2010”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Ở một nghiên cứu khác về tác động của cuộc chiến thương mại được DBS thực hiện, hàng loạt quốc gia châu Á cũng sẽ chịu tác động từ các động thái của cuộc chiến này. Cụ thể, theo báo cáo phân tích, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore sẽ là các nền kinh tế gặp rủi ro cao nhất tại châu Á vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, do các nước này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng. Tăng trưởng GDP của Hàn Quốc có thể mất 0,4% năm nay. Con số này của Malaysia và Đài Loan đều được dự báo là 0,6%. Còn Singapore là 0,8%.

Thương chiến Mỹ - Trung: Chuyện chưa hồi kết
Phần trăm tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tính theo vùng), nguồn Macrobond, NiGEM, Rabobank

Mỹ chủ động tăng thuế, ai chịu?

Nhìn bề ngoài, 7 lần chủ động tăng thuế của ông Trump thực sự là những “đòn cân não”. Giá trị hàng hóa chịu thuế lớn, nhóm hàng rộng, thuế suất thay đổi mạnh đột ngột khiến cho đối thủ chắc chắn phải lo ngại. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại chỉ ra một điểm rất phi logic - ảnh hưởng đến giá hàng hóa nhập khẩu không nhiều, và điều này đặt ra câu hỏi về việc chính xác ai sẽ trả phần lớn chi phí do thuế suất thay đổi.

Nó không phải là người Trung Quốc, ít nhất là không trực tiếp. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đang phải chịu chi phí trực tiếp lớn nhất với hàng tỷ USD nhập khẩu chịu mức thuế quan mới của Mỹ, theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang New York phát hiện.

Theo nghiên cứu nói trên, kể từ lần đánh thuế đầu tiên của Chính quyền Trump đối với hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7/2018, thuế quan mới đã được áp dụng lên hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu, bao gồm hầu hết các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Thuế nhập khẩu được thu khi các sản phẩm của Trung Quốc vào cảng tại các thành phố như Los Angeles, Miami và Savannah. Chúng được trả bởi các công ty có trụ sở tại Mỹ khi nhận hàng.

Nghiên cứu của Fed chỉ ra rằng bản thân các công ty Trung Quốc không chịu thuế suất mà ông Trump cho áp dụng lên sản phẩm xuất khẩu của họ. Các công ty Trung Quốc thậm chí có thể giảm giá bán hàng để giảm bớt gánh nặng thuế cho các đối tác Mỹ, nhưng mức giảm sẽ phải bằng khoảng 20% để bù đắp hoàn toàn các tác động của thuế quan 25%, nhưng thay vào đó, họ chỉ giảm giá bán khoảng 2% kể từ khi thuế quan lần đầu tiên có hiệu lực.

“Việc giảm giá bán này chỉ là một phần rất nhỏ so với chi phí cần thiết để họ có thể bù đắp cho các đối tác khi phải chịu thuế suất mới”, theo Fed New York. Đáng chú ý hơn là trong cùng giai đoạn này, hàng hóa từ các nước không chịu thuế quan mới của Mỹ như Mexico và Hàn Quốc đã giảm cùng một tỷ lệ với phía Trung Quốc.

Trong khi đó, cũng theo nghiên cứu của Fed, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm 10% về giá trị so với đồng USD kể từ khi cuộc chiến thuế quan bắt đầu. Vì vậy, “về mặt lý thuyết, các nhà cung cấp phía Trung Quốc có thể giảm giá bán cho các nhà nhập khẩu Mỹ tương ứng với mức tỷ giá đó để đẩy lùi ảnh hưởng từ việc tăng thuế”, theo Fed. “Thay vào đó, các công ty Trung Quốc dường như đã nới rộng lợi nhuận trên đơn giá để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ”.

Fed cho biết nhập khẩu các sản phẩm Trung Quốc do chịu ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ đã giảm 75 tỷ USD trong năm vừa qua. Đó là một mảng kinh doanh khổng lồ mà phần nhu cầu này đã được chuyển đến châu Âu, Nhật Bản và các nước châu Á khác. Chẳng hạn, thị phần của sản phẩm Trung Quốc trên thị trường máy móc và thiết bị điện của Mỹ đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm kể từ năm 2017; với thị trường điện tử Mỹ đã giảm 6%. Một số công ty có thể đang chuyển các giai đoạn sản xuất cuối cùng cho hàng hóa được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc sang các nước thứ ba để tránh thuế quan… Đây có lẽ là những tổn thất đáng kể nhất đã thúc đẩy Trung Quốc nối lại đàm phán với Mỹ.

Thương chiến Mỹ - Trung: Chuyện chưa hồi kết
Các mốc áp thuế của Mỹ và Trung Quốc

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ là “bánh vẽ"

Cân bằng lại cán cân thương mại Mỹ - Trung là một trong những đòi hỏi của ông Trump, được nêu xuyên suốt các cuộc đàm phán giữa hai bên. Với thỏa thuận giai đoạn một, “chiến tích” mà ông Trump liên tục nhấn mạnh là việc Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy việc lập lại trạng thái cân bằng của cán cân thương mại song phương dường như là bất khả thi.

Thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2019 ở mức 294,5 tỷ USD, và chiếm tới 40% tổng chênh lệch thương mại của Mỹ. Trong cùng thời gian kể trên, Bắc Kinh đã cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc tới 14,5%, xuống mức tổng kim ngạch còn 87,6 tỷ USD; ngược lại, doanh số bán hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ dù có sụt giảm nhưng vẫn ở mức 382,1 tỷ USD.

Nếu thực tế diễn ra như những gì Bắc Kinh cam kết tại thỏa thuận thương mại giai đoạn một, mua 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, xuất khẩu của nước này sang Mỹ vẫn phải giảm một nửa so với mức 462,4 tỷ USD như ước tính cho năm nay để đạt được sự thu hẹp đáng kể thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Đây là điều rất khó để xảy ra.

Ở khía cạnh khác, một sự thật đáng buồn là Mỹ sẽ tiếp tục để cho những khối tài sản khổng lồ (và công nghệ), vốn được nước này tài trợ tài chính, chuyển dịch sang Trung Quốc, điều này tiếp tục khiến cho Mỹ bị “thâm hụt tài chính” với Trung Quốc.

Trong khi đó, những vấn đề lớn khác - như bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, trợ cấp công nghiệp bất hợp pháp và quản lý tỷ giá hối đoái - hiện mới ở dưới dạng tuyên bố thay vì các ràng buộc pháp lý rõ ràng. Cơ chế thực thi của nó thông qua dạng thức tham vấn song phương ở các cấp độ kỹ thuật, vì vậy có thể leo thang lên các cấp cao hơn trong trường hợp xảy ra bất đồng nghiêm trọng.

Với các phân tích như vậy, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, rõ ràng là lợi ích chính trị đang được chú trọng hơn là khả năng đạt được trên thực tế về thu hẹp khoảng cách thương mại Mỹ - Trung, như được hiểu là một vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ. “Đó là những hàm ý rõ ràng từ các tuyên bố chính thức”, CNBC dẫn lời Michael Ivanovitch, nhà phân tích kinh tế thế giới, địa chính trị và chiến lược đầu tư; nhà kinh tế cao cấp tại OECD ở Paris; nhà kinh tế quốc tế tại Fed New York.

Trong khi Washington đang quan tâm đến lời hứa của Trung Quốc về việc mua nông sản và các sản phẩm khác của Mỹ, bất chấp các phân tích cho thấy trong trường hợp Trung Quốc mua tới 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm tới thì thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này vẫn rất lớn.

Ngược lại, phía Trung Quốc đã không đề cập đến bất kỳ lời hứa nào như vậy. Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ thông tin rằng Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận thương mại dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, và việc mở rộng hơn cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài, “bao gồm cả Mỹ, theo quy định của WTO cũng như các quy tắc thị trường và nguyên tắc kinh doanh”.

“Các khía cạnh của vấn đề, theo phân tích trên, dường như giống với một cuộc đình chiến hơn là cái kết đang đến gần của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”, theo Michael Ivanovitch.

“Chỉ với những nhượng bộ hạn chế, Trung Quốc đã có thể bảo tồn hệ thống kinh tế theo chủ nghĩa trọng thương và tiếp tục các chính sách công nghiệp phân biệt đối xử của mình với chi phí các đối tác thương mại với Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu phải chịu. Mặc dù, Trump có thể đảo ngược tiến trình với thuế quan mới, nhưng Bắc Kinh cũng đã đảm bảo tạo được vị thế khỏi sự bấp bênh hàng ngày trong vài tháng và có lẽ là trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ hiện tại của ông Trump”, Scott Kennedy, cố vấn cao cấp và chủ tịch ủy thác trong kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói.

Thương chiến Mỹ - Trung: Chuyện chưa hồi kết

Tương lai có mơ hồ như quá khứ?

Theo dự kiến, sau thỏa thuận thương mại giai đoạn một, phái đoàn đàm phán hai bên sẽ tiếp tục thỏa thuận về giai đoạn hai với chủ đề đàm phán xoay quanh những vấn để phức tạp hơn như: chuyển giao công nghệ hay bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, song cho đến nay các chuyên gia vẫn rất hoài nghi về thành công của thỏa thuận thương mại giai đoạn một có hiệu lực trong ngày 15/12, bởi rất nhiều lần thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc đã thất bại ở giai đoạn sát nút cuối cùng.

Christopher Hill, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương cho rằng: “Thiếu tin tưởng lẫn nhau vẫn là điều khó loại bỏ khỏi nỗ lực đàm phán của cả Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc lo lắng rằng, Tổng thống Donald Trump hay thay đổi, trong khi Mỹ cũng lo Trung Quốc sẽ không giữ lời hứa”.

Thường xuyên trước các cuộc đàm phán gần đây, Trump đã đưa ra những tín hiệu bất nhất. Có lúc ông nói rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra rất suôn sẻ và mong sớm đạt được thỏa thuận. Nhưng sau đó Trump lại cảnh báo có thể trì hoãn đạt thỏa thuận cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm tới.

"Nếu tôi là Trung Quốc, tôi sẽ lo ngại liệu thỏa thuận mà Trump đồng ý có phải là thỏa thuận mà ông sẽ đồng ý vào ngày mai và ngày hôm sau hay không. Còn nếu tôi là Trump, vấn đề lớn tôi cần làm là thuyết phục Trung Quốc rằng những gì tôi đang đề xuất thực sự là những gì tôi sẽ duy trì chứ không thay đổi", ông Hill nói thêm.

Mỹ - Trung từng suýt đạt được thỏa thuận vào tháng 5 để chấm dứt chiến tranh thương mại bắt đầu vào tháng 7/2018. Nhưng, cuộc đàm phán bất ngờ sụp đổ vì Mỹ cáo buộc Trung Quốc thay đổi vào phút chót, xóa đi nhiều cam kết, trong khi Bắc Kinh cho rằng Washington đưa ra yêu cầu quá đáng. Hồi tháng 7, Trump còn chỉ trích Bắc Kinh không giữ lời về việc hứa hẹn mua thêm nông sản Mỹ.

Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew bày tỏ lo ngại: "Vấn đề trong các cuộc đàm phán là đội ngũ của chúng ta đã trải qua nhiều vòng thảo luận nhưng không ai có thể chắc chắn lập trường cuối cùng của Tổng thống là gì. Điều này gây khó khăn cho nỗ lực đàm phán", ông Lew nói thêm.

Hồi tháng 10, Mỹ và Trung Quốc đồng ý ký thỏa thuận thương mại sơ bộ, nhưng Bắc Kinh đang chùn bước trước yêu cầu của Mỹ để mua một lượng hàng nông sản cụ thể, Bắc Kinh cũng đang yêu cầu rút lại tất cả các mức thuế hiện hành do Mỹ áp đặt.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đưa ra nhận định, cuối cùng, liệu toàn bộ thỏa thuận này có hiệu quả hay không sẽ được quyết định bởi những người “cầm cân nẩy mực” ở Trung Quốc, chứ không phải ở Mỹ. Kết quả cuối cùng sẽ khác nhau tùy thuộc vào ai là người đưa ra quyết định cuối cùng - phe “cứng rắn” hay phe “cải cách”, Robert Lighthizer hàm ý về bối cảnh chính trị Mỹ sau bầu cử Tổng thống.

Và khi cả hai bên đã và đang cố gắng để giảm bớt căng thẳng nhằm tiến tới một điều gì đó xa hơn trong tương lai, vẫn tồn tại những toan tính của riêng mỗi bên. Mọi chuyện có thể sẽ không dễ dàng, tình trạng giằng co sẽ còn duy trì trong một thời gian dài. Điều này sẽ tiếp tục gây ra nhiều ảnh hưởng đến kinh tế hai nước nói riêng và toàn thế giới nói chung. Cho nên, ngày 13 thứ Sáu vừa rồi có thể chưa trọn vẹn là một “ngày lịch sử”.

Với việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí về một thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Washington sẽ duy trì mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và mức thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa khác sẽ được giảm xuống còn 7,5%. Vòng đánh thuế tiếp theo, vốn lên kế hoạch vào 15/12, áp dụng lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã được Mỹ hoãn vô thời hạn.

Đổi lại, Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới. Ngày 15/12, Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc cũng cho biết thuế bổ sung với một số hàng hoá Mỹ dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12 cũng đã được hoãn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả