'Thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt nên tính theo hàm lượng đường'
Chuyên gia đề xuất nước ngọt sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với các bậc thuế khác nhau theo hàm lượng đường, tương tự rượu bia chia theo nồng độ cồn.
Trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml. Mức thuế dự kiến là 10%.
Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao. Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế do là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, nước khoáng thiên nhiên, đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không bị áp thuế.
Lý giải về ngưỡng chịu thuế 5 gram trên 100ml, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước áp thuế với nước ngọt theo hàm lượng này như một số nước EU. Nhưng cũng có quốc gia chọn ngưỡng cao hơn, như Pháp đánh thuế với hàm lượng trên 11 gram trong 100ml. Ailen và Anh theo hai ngưỡng, 5-8 gram chịu một mức thuế và trên 8 gram sẽ cao hơn 1,5 lần.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban Chính sách Hội tư vấn và Đại lý thuế TP HCM đồng tình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, nhưng thuế suất bao nhiêu cần xem xét.
"Cần tính toán xem khi đánh thuế 1% sẽ tác động bao nhiêu đến sự thay đổi hành vi tiêu dùng", ông nói.
Chuyên gia này đề xuất có các bậc thuế khác nhau theo hàm lượng đường, tương tự rượu bia chia theo nồng độ cồn. Theo ông Được, việc này đảm bảo mục tiêu điều tiết vĩ mô, giúp người dân ý thức hạn chế dùng sản phẩm không tốt cho sức khỏe. Ngược lại, phương án này minh bạch, công bằng với doanh nghiệp trong ngành đồ uống.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), về lý thuyết, việc đánh thuế trên hàm lượng đường là phù hợp, nhưng có thể gây khó khăn cho nhà chức trách trong quản lý, xáo trộn khi vận hành.
"Bao nhiêu gram đường trong 100 ml nước ngọt sẽ chịu mức thuế nào phải được tính trên cơ sở khoa học, dữ liệu về tác động tới sức khỏe, không thể chủ quan bốc thuốc", bà Thảo nói.
Tại hội thảo mới đây, TS. Nguyễn Thùy Duyên, Đại học Queen's University Belfast (Anh) cho biết có nhiều phương pháp áp thuế, như tuyệt đối theo hàm lượng đường, thể tích, giá xuất xưởng. Chuyên gia này lưu ý cần tính phương án khả thi để đạt hiệu quả cao trong hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, nhưng không gây sốc với ngành công nghiệp giải khát.
Trước đây, Bộ Tài chính từng nhiều lần đề xuất bổ sung thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, trừ các sản phẩm sữa, nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, doanh nghiệp nên đến nay, chính sách này vẫn chưa ban hành.
Ở dự thảo luật lần này, Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người tăng gần gấp rưỡi sau 7 năm, đạt 70,56 lít một người vào 2020.
Cùng đó, tỷ lệ thừa cân và béo phì đáng báo động ở trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 5-19 tuổi. Mức này tăng hơn hai lần trong 10 năm, đạt 19% vào 2020, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) và các nước có mức thu nhập thấp, trung bình của khu vực.
Cơ quan này cũng khẳng định đánh thuế đồ uống có đường trở thành xu thế chung. Hiện khoảng 85 quốc gia áp thuế này, tăng gần 6 lần so với cách đây 10 năm.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học, tại Việt Nam bệnh béo phì hay tim mạch có nhiều nguyên nhân, trong đó tiêu thụ nước ngọt không phải là lý do chính.
"Việc áp thuế 10% với nước ngọt cần dựa trên các cơ sở khoa học, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động tới người dùng, nhà sản xuất", bà nói, thêm rằng các đối tượng gián tiếp như môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng cần được tính tới.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng cần có bằng chứng thuyết phục hơn về ảnh hưởng của nước giải khát và các sản phẩm có đường khác, kể cả sữa hay thực phẩm dinh dưỡng có bổ sung đường. "Như vậy mới đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp", bà nói, thêm rằng ngoài tác động giảm tiêu dùng, yếu tố về công bằng, tổn thương của doanh nghiệp cần được tính tới khi đưa ra quy định.
Bà đề xuất nhà chức trách có thể tính mức thuế suất ban đầu thấp hơn, ví dụ 5%, để xem mức độ tác động đến nền kinh tế, doanh nghiệp, lao động như thế nào. "Có thể mức 5% vẫn giúp giảm tiêu thụ, thu thuế được tốt hơn do doanh nghiệp ổn định sản xuất", bà nói.
Dự kiến, sau khi lấy ý kiến góp ý, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt tại kỳ họp tháng 10 năm nay và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận