Thuế GTGT phân bón 5% tạo ra lợi ích toàn diện
Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính cho thấy, việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% hài hòa lợi ích của các bên, tạo sự bình đẳng để doanh nghiệp trong nước, giúp giảm giá thành và giá bán phân bón tới tay bà con nông dân.
Các bộ, ngành đồng tình, ủng hộ cao
Hiếm có chính sách về thuế nào nhận được sự đồng tình ủng hộ lớn của các bộ, ngành, hiệp hội như việc đề xuất sửa đổi một phần Luật thuế số 71 chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang chịu thuế với mức phù hợp nhất là 5%.
Cụ thể, trong công văn trả lời Bộ Tài chính, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% được thông qua giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm bớt khó khăn cho các đơn vị trong ngành sản xuất phân bón trong nước, từ đó, có thêm cơ hội cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải được tính thuế GTGT, để doanh nghiệp và người nông dân không bị thiệt hại ngày càng tăng như hiện nay, bởi doanh nghiệp sản xuất phân bón đang phải hạch toán thuế GTGT vào chi phí khiến giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5 - 8%. Quy định này không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình trung, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Cũng như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với các nội dung đề xuất sửa đổi quy định về thuế GTGT theo hướng 5% đối với phân bón tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón của Bộ Tài chính.
Trước đó, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và đặc biệt là Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều đồng tình, nhất trí cao với Tờ trình của Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ Nghị quyết của Quốc hội về thuế GTGT phân bón theo hướng áp thuế suất 5%.
Tại báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản.
Cụ thể, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy trình xây dựng dự án Luật của Quốc hội gồm 2 bước: Bước 1, đề nghị xây dựng dự án Luật của Quốc hội (cơ quan chủ trì chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật của Quốc hội) tổ chức lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ trình Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bước 2, xây dựng dự án Luật của Quốc hội (sau khi dự án Luật được đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội), cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục tương tự bước 1.
Theo các chuyên gia, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón là phù hợp với thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nông dân hưởng lợi lâu dài khi ngành phân bón ổn định
Theo tính toán phân tích chi tiết của các chuyên gia tài chính thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc áp mức thuế suất 5% giá phân bón trong nước không những không tăng mà còn có những tác động tích cực và toàn diện ở nhiều khía cạnh. Trong đó, lợi ích lớn nhất là bà con nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi ngành doanh nghiệp phân bón trong nước sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay bà con nông dân.
Đặc biệt, việc áp dụng thuế suất GTGT phân bón mức 5% tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu cùng loại. Bên cạnh đó, đây cũng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhập khẩu các dây chuyền sản xuất phân bón công nghệ cao, thế hệ mới có chất lượng tốt hơn, thân thiện môi trường hơn, góp phần giảm giá vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập.
Hiện tại, đạm urê đang được bán với giá 6.200 đồng/kg, giá này đã bao gồm cả phần hạch toán thuế GTGT đầu vào. Nếu áp thuế suất GTGT đầu ra với phân bón là 5% giá đạm urê sẽ là 6.200 chia cho 5% còn 5.900 đồng/kg. Như vậy, giá đạm urê đến tay nông dân vẫn sẽ là 6.200 đồng/kg, nhưng trong 6.200 đồng đó có 300 đồng là 5% thuế GTGT.
Thuế GTGT là thuế gián thu, tức doanh nghiệp thu hộ nhà nước, theo quy định 300 đồng/kg urê này, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đúng quy định phải nộp về ngân sách nhà nước, nhưng do các doanh nghiệp sản xuất phân đạm hay phân lân, DAP, NPK đang phải chịu mức thuế GTGT đầu vào, bao gồm khí, than, điện, quặng, nguyên vật liệu, máy móc, vận tải với mức từ 10 - 15% nên phần thuế GTGT 5% là 300 đồng/kg urê sau khi tính toán, cân đối mà ít hơn phần thuế GTGT đầu vào doanh nghiệp được sẽ được khấu trừ, được hoàn, tức không phải nộp về nhà nước nữa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Vinachem chiếm tới 80 - 90% tổng sản lượng phân bón sản xuất của Việt Nam hàng năm đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước giữ cổ phần chi phối trên 51% nên nếu có được thêm lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh từ chính sách thuế mới này thì Nhà nước vẫn là chủ thể được hưởng lợi nhiều nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận