Thực phẩm Sao Ta (FMC) hé lộ chiến lược đối phó vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá từ Hoa Kỳ
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) tự tin cho biết công ty có thể sẽ nhận mức thuế thấp nhất trong vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam do Hoa Kỳ khởi xướng.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 7/2024 đạt 31,25 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả theo tháng cao nhất từ đầu năm đến nay của công ty.
Trong tháng 7/2024, sản lượng sản xuất tôm thành phẩm của Thực phẩm Sao Ta đạt 4.098 tỷ đồng, tăng 75%. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm cũng tăng 9%, đạt 2.713 tỷ đồng.
Với mảng nông sản, sản lượng sản xuất đạt 20 tấn và tiêu thụ đạt 147 tỷ đồng, lần lượt giảm 70% và 22% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết công ty đã có đủ đơn hàng để đạt tăng trưởng kết quả kinh doanh năm nay đạt mức hai con số. Về việc Hoa Kỳ khởi xướng cuộc điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm Việt Nam, công ty đã chủ động có chiến lược thị trường phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro.
Cụ thể, Thực phẩm Sao Ta và công ty con - Thực phẩm Khang An (Thực phẩm Sao Ta nắm 51,54% vốn) đã chuẩn bị tài liệu xuyên suốt những năm qua. Tuy nhiên, do sản lượng xuất khẩu vào Hoa Kỳ chỉ đứng thứ tư nên Thực phẩm Sao Ta không được chọn làm bị đơn bắt buộc.
“Để tự quyết cho mình, không phải lệ thuộc mức thuế bình quân gia quyền từ mức thuế các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc, đối sách của Thực phẩm Sao Ta và Thực phẩm Khang An là gia tăng mức xuất hàng vào Hoa Kỳ năm 2024 này để ở đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lần thứ 20 của Hoa Kỳ sẽ được chọn là bị đơn bắt buộc”, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta nói.
Với sự chuẩn bị tài liệu chu đáo, Thực phẩm Sao Ta tự tin sẽ nhận được mức thuế thấp nhất như đã từng xảy ra. Điều này không chỉ giúp công ty chủ động, tự tin bán hàng vào Hoa Kỳ mà còn giúp cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ có mức thuế thấp nhất. Qua đó giữ vững thị trường lớn này, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết dự báo mưa nhiều, dồn dập trong tháng 8 và tháng 9 sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi tôm, nhất là trong bối cảnh tôm giống nhiễm bệnh tỉ lệ khá cao.
Từ đó, khả năng từ nay đến cuối năm lượng tôm thương phẩm tại thị trường trong nước sẽ suy giảm, đẩy giá tăng lên, gây ra áp lực đối với các doanh nghiệp chế biến.
Trên cơ sở nhận định này, Thực phẩm Sao Ta đã chủ động tích trữ nguyên liệu lúc giá rẻ trong tháng 7/2024 để đảm bảo sản xuất xuyên suốt trong nửa cuối năm nay. Đối với các vùng nuôi tôm của công ty, mặc dù dịch bệnh gây tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi nhưng kết quả nuôi tôm tổng thể chung vẫn tương đối tốt.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2024 đến nay.
Vừa qua, Thực phẩm Sao Ta đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất nửa đầu năm với doanh thu thuần đạt 2.703 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn đến từ hoạt động kinh doanh tôm. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ cũng tăng 13,4%, đạt 140,6 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Các kết quả của Thực phẩm Sao Ta hiện đang tốt hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của nhiều tổ chức tài chính, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay sẽ hồi phục tích cực khi lạm phát tại các thị trường trọng điểm “hạ nhiệt” rõ rệt và các hoạt động kinh tế dần phục hồi, kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.
Đánh giá triển vọng kinh doanh trong nửa cuối năm, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, đây sẽ là giai đoạn dễ thở khi nhu cầu thị trường tăng mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận