Thực hư việc ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng theo quý?
Trước thông tin cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi cách thức cấp hạn mức tín dụng theo quý thay vì theo năm ngay trong quý I/2021, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đó chỉ là 'tạm giao'
Trong báo cáo triển vọng thị trường trái phiếu chính phủ mới công bố, Chứng khoán VietcomBank (VCBS) cho biết Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi cách thức cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng theo quý thay vì theo năm ngay trong quý I/2021.
VCBS không nêu chi tiết về hạn mức tín dụng các ngân hàng được cấp nhưng theo bản tin thị trường tiền tệ của chứng khoán SSI, một số ngân hàng cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng tạm thời quý I/2021 từ 3-4% so với cuối năm 2020. Trong đó, hạn mức tín dụng tạm thời của ACB là 3,5%.
Cũng theo SSI Research, trần tín dụng cho các ngân hàng sẽ được công bố vào cuối tháng 4, do NHNN cần thêm thời gian để đánh giá các tổ chức tín dụng và tác động của Covid-19 và triển vọng của vaccine Covid.
Thực hư việc ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng theo quý
Trao đổi về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thông tin cho rằng, Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách thức cấp hạn mức tín dụng theo quý thay vì theo năm như trước kia là cách hiểu chưa chính xác.
Theo vị Vụ trưởng này, trong năm nay có 2 thay đổi lớn. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng quý đầu năm để các ngân hàng bám sát triển khai, trong khi chưa tính toán xong mục tiêu cả năm 2021. Tức là, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện cách thức thông thường, cấp hạn mức tín dụng theo năm cho các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, thường Ngân hàng nhà nước sẽ sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 31/12 năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau. Tuy nhiên, năm nay tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ lấy theo số tăng trưởng bình quân, để sát với thực tế hơn.
Thông tin thêm về mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2021, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: Mục tiêu ban đầu đề ra là tín dụng tăng khoảng 12%, nhưng có điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.
"Ngành ngân hàng hiện đang theo dõi tăng trưởng tín dụng của tháng 1/2020. Thông thường đầu năm tín dụng giảm như năm ngoái giảm cả tháng 1, tháng 2 và tới tận tháng 3 mới tăng. Tuy nhiên, năm nay 14 ngày đầu giảm 0,6%, đến 20/1 chỉ còn giảm 0,02% và hiện tại tăng trưởng tín dụng có thể đã dương trở lại. Nhiều khả năng, khi giao chỉ tiêu cụ thể, tăng trưởng tín dụng sẽ được điều chỉnh lên 13%-14%", Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh thông tin.
Động thái thận trọng?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB và ông Phạm Đức Tuấn, Phó Tổng giám đốc Agribank đều thừa nhận, trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động mạnh của Covid-19, việc tạm giao chỉ tiêu tăng trưởng quý I/2021 cho thấy sự linh hoạt phù hợp trong điều hành và không ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Bởi thông thường nhu cầu vay vốn trong quý I đều rất thấp, thường tăng trưởng âm.
Dưới góc nhìn khác, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc tạm giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong quý I/2021, trong khi chờ quota tín dụng cho các ngân hàng được công bố cho thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước.
Vị này lý giải, mọi năm hoạt động điều hành diễn ra bình thường, việc ngân hàng thực hiện giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng theo năm diễn ra đúng theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong năm nay, ngân hàng cần có thêm thời gian để đánh giá tác động của Covid-19 tới nhu cầu vay vốn của nền kinh tế.
"Hơn nữa, thời gian qua còn xuất hiện 2 hiện tượng khá nóng của bất động sản và chứng khoán. Nhiều đồn đoán cho rằng, do lãi suất cho huy động và cho vay thấp nên tín dụng đang đổ vào các lĩnh vực này. Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước có thể đang phải theo dõi xem cơ cấu tín dụng trong tháng 1 như thế nào, tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay đổ vào các thị trường tài sản khác để có điều chỉnh phù hợp.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tính toán xong chỉ tiêu hạn mức tín dụng cả năm cho các ngân hàng có thể liên quan đến tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán và bất động sản. Đây cũng là bước đi thận trọng cần thiết", vị này cho hay.
Tuy nhiên, về lâu dài theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc "bỏ" cách điều hành mang tính hành chính đối với tín dụng. "Thay vào đó là quản lý theo hệ số Car, tức là quản lý cả tử số và mẫu số thay vì điều hành giao chỉ tiêu tín dụng như hiện nay vì rất ít nước sử dụng cách làm này", ông Lực nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận