24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản về đích 41 tỷ USD

Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhưng một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao như: Gạo, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đang tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại, mở cửa thị trường để thúc đẩy xuất khẩu nhằm đảm bảo mục tiêu năm nay đạt 41 tỷ USD trở lên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 11/2020 đạt 3,72 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 28,05 tỷ USD, giảm 0,2%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 9,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 16,76 tỷ USD, giảm 0,5%; chăn nuôi đạt 297 triệu USD, giảm 18,5%; thuỷ sản đạt gần 7,75 tỷ USD, giảm 0,9% và các mặt hàng lâm sản chính đạt 11,65 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy có sự giảm về khối lượng xuất khẩu nhưng gạo vẫn là mặt hàng đem lại giá trị xuất khẩu tăng khá. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2020 ước đạt 388.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 5,74 triệu tấn với 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Philippines vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 33% thị phần. Bên cạnh đó, các thị trường khác như: Indonesia, Trung Quốc… cũng có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh.

Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng có sự tăng trưởng khá. Trong tháng 11, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng đạt 10,88 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là ba thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Bên cạnh những mặt hàng có sự tăng trưởng tốt, ngành nông nghiệp vẫn có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm mạnh như: hồ tiêu giảm 11,4%, rau quả 11,7%... Với mặt hàng rau quả, giá trị xuất khẩu 11 tháng đạt trên 3 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh ở mức gần 27% nhưng đây vẫn là thị trường đứng vị trí đầu về nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 57% thị phần.

Thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh có thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (với 35,8% tổng giá trị xuất khẩu) đã giảm trên 10%; chuối đạt chiếm 5,4% cũng giảm trên 13%; dưa hấu giảm 36,5%… Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường khác đầu tăng trưởng tốt.
Tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn còn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 7,75 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.

Trong nhóm các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, các sản phẩm như tôm; cua, ghẹ và giáp xác; nhuyễn thể vẫn có sự tăng trưởng tốt ở mức hai con số. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra và cá ngừ vẫn còn giảm nhẹ.

Thời gian gần đây, giá cá nguyên liệu tăng do giá cả đầu ra xuất khẩu khởi sắc, đáp ứng nhu cầu gia tăng chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 11 tiếp tục giữ giá sau sự phục hồi từ tháng trước, dao động quanh mức 22.000-22.500 đồng/kg đối với cá tra loại I từ 700-900g/con.

Nhiều doanh nghiệp cũng tăng cường mua cá tra nguyên liệu để chế biến, chuẩn bị phục vụ nhu cầu thị trường được dự báo tăng cao dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021. Ngoài ra, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương có phần hạn chế vì thời gian qua giá ở mức quá thấp, nhiều hộ nuôi đã giảm diện tích nuôi hoặc nuôi với mật độ thấp.

Xuất khẩu tôm đang có nhiều cơ hội tăng thị phần tại hầu hết các thị trường khi nguồn cung tôm của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, bên cạnh các lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương và lợi thế do việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 tạo ra tính ổn định trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, tôm Việt Nam cũng chịu cạnh tranh lớn từ Indonesia tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, với Ấn Độ tại thị trường Nhật Bản… Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý đảm bảo chất lượng ổn định để duy trì bền vững những lợi thế hiện có.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm thủy sản, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông, lâm, thủy sản phục vụ các ngày lễ, Tết cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp giải pháp nhằm cân bằng thương mại nông lâm thủy sản, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại. Đồng thời, phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bộ cũng sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cảnh báo các quy định mới của thị trường, kịp thời cung cấp thông tin cho địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có cuộc họp trực tuyến.

Tại cuộc họp này, hai bên sẽ bàn về những giải pháp nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường, thương mại giữa hai nước; tạo điều kiện thông quan nhanh tại các cửa khẩu giữa hai nước. Đặc biệt, trong khuôn khổ cuộc họp hai bên sẽ ký trực tuyến Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc. Việc mở cửa được sản phẩm thạch đen sang thị trường Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu nông sản nói chung cũng như sản phẩm thạch đen nói riêng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả