Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ II): Những nỗ lực “rời rạc” khiến xếp hạng nằm nhóm "áp chót"
Phong trào năng suất tại Việt Nam vẫn rời rạc và phân mảnh, chỉ tập trung vào khu vực doanh nghiệp và chỉ bao gồm một vài khía cạnh của năng suất.
Khi so sánh với một số nước Đông Bắc Á và ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua.
Việc tăng năng suất lao động của Việt Nam không thể cải thiện đáng kể vị thế của quốc gia so với các nước láng giềng khi không có bước đột phá vào con đường tăng trưởng cao. Ảnh: Quốc Tuấn
Tăng trưởng mức thấp trong khu vực
Báo cáo “Năng suất Việt Nam: Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập” cho thấy, trong so sánh với một số nước Đông Bắc Á và các nước thành viên ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp dù có tốc độ tăng trưởng tương đối cao từ những năm 1990. Việc tăng năng suất lao động của Việt Nam không thể cải thiện đáng kể vị thế của quốc gia so với các nước láng giềng khi không có bước đột phá vào con đường tăng trưởng cao.
Năm 2017, năng suất lao động của chín nhóm ngành của Việt Nam hầu hết ở mức gần hoặc thấp nhất so với khu vực. năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong các nước được so sánh, xếp sau Campuchia, trong hai nhóm ngành. Năng suất lao động của Việt Nam xếp gần cuối, chỉ cao hơn Campuchia ở năm nhóm ngành khác, trong đó bao gồm nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, Việt Nam có năng suất lao động cao hơn hai hoặc nhiều nước so sánh chỉ trong hai nhóm ngành còn lại.
Một mô thức rõ rệt xuất hiện khi phân rã tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam và các nước so sánh theo phương pháp phân tích dịch chuyển cơ cấu. Với các quốc gia Đông Bắc Á và Singapore, hiệu ứng nội ngành là động lực chính của tăng trưởng năng suất lao động với tỷ lệ đóng góp khoảng 80% ở mỗi nước.
Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, đóng góp của hiệu ứng dịch chuyển tương đối nhỏ so với hiệu ứng nội ngành. Việt Nam và các nước ASEAN được chọn khác đều dựa vào hiệu ứng dịch chuyển trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, sau đó chuyển dần sang phụ thuộc vào hiệu ứng nội ngành.
Theo các chuyên gia, để hội tụ thu nhập toàn cầu, các nước đi sau cần có tương quan nghịch giữa mức độ và tốc độ tăng trưởng năng suất, tức là cần tăng trưởng nhanh hơn ở mức thu nhập thấp để bắt kịp với các nước thu nhập cao. Trung Quốc vẫn có thu nhập trung bình nhưng đã và đang tăng trưởng rất nhanh. Hàn Quốc đã đạt được thu nhập cao nhưng cũng đã tăng trưởng nhanh cho đến gần đây. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có thu nhập trung bình thấp và đang tăng với tốc độ trung bình.
Những nỗ lực... rời rạc
Trong bối cảnh này, Việt Nam đã dành những nỗ lực đáng kể để nâng cao năng suất của nền kinh tế. Sự đánh đổi giữa năng suất và chất lượng, vốn là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, đã không còn nữa.
Thập niên Chất lượng lần thứ nhất 1996-2005 đã giới thiệu một số phương pháp mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, với mục đích nâng cao năng suất mà vẫn đảm bảo chất lượng. Thập niên Chất lượng lần thứ hai 2006-2015 đã mở rộng và tạo ra các mô hình khác nhau để cải thiện năng suất cho các doanh nghiệp. Chương trình 712 đã được thực hiện với mục tiêu nâng mức đóng góp của TFP (Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng GDP lên 35% vào năm 2020. Mục tiêu này đã đạt được với hiệu quả năng suất tốt hơn trong những năm gần đây; theo dữ liệu của GSO, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 43,5% trong năm 2018.
Việc có thu nhập trung bình thấp và đang tăng với tốc độ trung bình khiến Việt Nam phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình trong tương lai.
Sau hai thập niên nỗ lực nâng cao năng suất, bộ khung quy trình hoạch định và thực thi chính sách đã được định hình. Các cơ quan liên quan cũng tích lũy được kinh nghiệm đáng kể trong cải thiện năng suất cùng với lượng lớn nhân lực được đào tạo và chuyển giao công nghệ. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam triển khai những chính sách năng suất mới trong tương lai.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia đánh giá, còn tồn tại một số hạn chế trong bộ khung chính sách năng suất ở Việt Nam.
Do đó, Báo cáo ILO 2015 đã xếp hạng Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn nhiều so với các nước ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tư duy của người Việt Nam về năng suất vẫn bị ảnh hưởng bởi tư duy kế hoạch truyền thống từ trên xuống (top- down) thay vì cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) do các công ty tư nhân và các tổ chức thúc đẩy.
Về mặt quy trình hoạch định và thực thi các chính sách, do các cơ quan hoạt động liên quan đến lĩnh vực năng suất nằm rải rác trong các bộ khác nhau nên quá trình giao tiếp liên lạc giữa các bên bị cản trở và chậm trễ. Để khắc phục vấn đề lâu năm này, dự thảo được đưa ra về việc thành lập một cơ quan độc lập, chẳng hạn như Hội đồng Năng suất Quốc gia, trực thuộc Chính phủ để chủ trì các chương trình khác nhau và hỗ trợ các tổ chức. Đề xuất này đã chính thức được thông qua, nhưng việc sử dụng tích cực cơ chế này đòi hỏi sự cam kết liên tục của các nhà lãnh đạo cao nhất cũng như sự ủy nhiệm đầy đủ, nhân lực và ngân sách được phân bổ cho Hội đồng này và Ban thư ký Hội đồng.
Về phương pháp và mô hình để nâng cao năng suất cho doanh nghiệp, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản và một số tổ chức quốc tế. Hợp tác quốc tế đã tạo ra kết quả hợp lý cho đến nay, nhưng về lâu dài các mô hình nước ngoài phải được chuyển đổi thành mô hình tự thân. Nâng cao năng suất đòi hỏi cả hỗ trợ kỹ thuật và hành chính. Việc áp dụng các mô hình nước ngoài thành công thường giải quyết vấn đề kỹ thuật, nhưng thủ tục hành chính và thể chế phải được thiết kế lại cho phù hợp với thực tế của Việt Nam. Nếu không, hầu hết các công cụ sẽ chỉ hoạt động ở một mức độ nhất định mà không bắt rễ sâu trong xã hội Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần một mô hình cải thiện năng suất thực sự “Made in Viet Nam”.
Việt Nam đã tiếp tục làm việc về năng suất trong nhiều thập kỷ và đã có một loạt các nghị quyết cấp cao về vấn đề này. Đảng và Chính phủ đã quan tâm nghiêm túc đến năng suất. Mặc dù vậy, nhiều chính sách vẫn không hiệu quả do những điểm yếu nghiêm trọng trong quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam.
Cụ thể, những điểm yếu này bao gồm, thứ nhất, thiếu cam kết và hỗ trợ liên tục của lãnh đạo nhà nước. Thứ hai, doanh nghiệp, người lao động và cá nhân chưa có động cơ tham gia.
Phong trào năng suất Việt Nam cho đến nay vẫn còn nhỏ, phân tán và chỉ được thực hiện một phần. Phong trào này chưa thay đổi được tư duy quốc gia và cũng chưa tạo ra kết quả rõ ràng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận