Thúc đẩy công tác tài khóa, tiền tệ theo hướng bền vững
Trong giai đoạn 2016-2020, công tác tài khóa và tiền tệ đã có chuyển biến và đạt được nhiều kết quả lớn, tích cực hơn so với giai đoạn 2011-2015, song Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục yêu cầu, giai đoạn 2021-2025, cần phải tăng cường nâng cao hi
Chuyển biến tích cực
Đánh giá về công tác quản lý, điều hành tiền tệ trong giai đoạn 2016-2020, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trình Đại hội XIII, cho thấy, công tác này đã có sự chủ động, linh hoạt; thị trường ngoại hối và tỷ giá dần đi vào ổn định, lãi suất giảm dần; quản lý tiền tệ tốt hơn; công tác phối hợp, điều hành các chính sách tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác được thực hiện theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá; cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng vẫn kiểm soát được mức tăng tổng phương tiện thanh toán phù hợp.
Tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2016-2020 đã giảm dần, trong khi tốc độ tăng GDP cao hơn giai đoạn 2011 - 2015, cho thấy, nguồn vốn tín dụng cho vay nền kinh tế ngày càng hiệu quả và phân bổ phù hợp hơn. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Thị trường ngoại hối và tỷ giá đi vào ổn định; thanh khoản hệ thống đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân. Lãi suất giảm dần và ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới biến chuyển nhanh chóng. Tình trạng "vàng hoá", "đô la hoá" trong nền kinh tế giảm đáng kể, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.
Đối với lĩnh vực tài khóa, cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách đã tăng lên 81,6% so với 68% của giai đoạn 2011 - 2015. Quản lý thu, khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế tiếp tục được chú trọng gắn với đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế... góp phần bảo đảm tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Các nhiệm vụ chi được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, tăng dần chi cho đầu tư phát triển, giảm dần chi thường xuyên, bảo đảm các mục tiêu về bội chi và nợ công. Trong đó, chi đầu tư phát triển đã tăng lên mức 27 - 28%; giảm chi thường xuyên từ 63 - 65% giai đoạn 2011 - 2015 xuống 62 - 63%; trong khi vẫn thực hiện tăng lương, lương hưu, trợ cấp người có công và các chính sách xã hội khác, ưu tiên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh. Bội chi và nợ công giảm so với giai đoạn trước; đã cơ cấu lại nợ theo hướng tăng kỳ hạn vay, tăng tỉ trọng các khoản vay trong nước, giảm vay nước ngoài...
Tăng cường giải pháp
Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XII cũng đánh giá, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao. Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng còn nhỏ so với khu vực, năng lực cạnh tranh và mức độ lành mạnh tài chính còn hạn chế. Tiến độ cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn còn chậm.
Thu ngân sách nhà nước vẫn chưa bền vững, còn dựa vào các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần; vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa được phát huy. Chính sách thu chưa bao quát hết các nguồn thu, trong khi ưu đãi dàn trải, công tác quản lý thu chưa theo kịp tình hình thực tế dẫn tới thất thu, đặc biệt là từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chi thường xuyên vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Rủi ro cao đối với các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.
Cơ chế phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhà nước và đầu tư thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên, chưa có quy định đầy đủ phân định chi đầu tư và chi thường xuyên gây ra lúng túng trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước…
Từ thực trạng nêu trên, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đã yêu cầu, trong 5 năm tới (2021-2025), cần phải tiếp tục: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng thu nội địa đạt trên 85% tổng thu ngân sách nhà nước. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước. Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển. Đổi mới, xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý ngân sách nhà nước nhằm tăng cường hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận