Thua lỗ, khách sạn tại Đà Nẵng rao bán hàng loạt
Kinh doanh thua lỗ, không đủ chi phí vận hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chủ khách sạn phải rao bán tài sản.
Những ngày đầu năm, hàng loạt khách sạn từ nhỏ đến lớn tại quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) được sang nhượng, rao bán rầm rộ.
Rao bán rầm rộ
Được biết, đợt tái bùng phát dịch COVID-19 trong dịp Tết Tân Sửu khiến cho hoạt động kinh doanh của nhiều khách sạn càng thêm thua lỗ trầm trọng, chủ kinh doanh phải bán khách sạn để cắt lỗ, thu hồi vốn.
Trên các trang quảng cáo nhà đất, những khách sạn nằm ở tuyến phố sầm uất đắt đỏ như đường Hồ Nghinh, Võ Nguyên Giáp, Dương Đình Nghệ… đang được rao bán rầm rộ với giá từ 30 tỉ đến hơn 200 tỉ đồng.
Qua quan sát, phần lớn khách sạn được rao bán thuộc phân khúc từ 1 đến 3 sao, chủ yếu nằm ở các tuyến phố thuộc quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà. Khu vực này tập trung nhiều khách sạn tầm trung với quy mô khoảng 40 phòng, hướng đến khách trung lưu và khách nước ngoài.
Sau một thời gian bùng nổ khách du lịch thì số lượng khách sạn tại Đà Nẵng phát triển "nóng". Nhà nhà làm khách sạn, từ quy mô nhỏ tới lớn để đón khách. Tuy nhiên, với lượng khách sạn vượt cầu và mất kiểm soát đã dẫn tới khách sạn ế ẩm. Sau khi xuất hiện dịch COVID-19 thì hầu hết chủ đầu tư đều không thể cầm cự được.
Anh Phan Sơn (chủ khách sạn nằm trên đường Hà Bổng) cho biết, đã phải sang nhượng hợp đồng để trả nợ cho ngân hàng sau một thời gian hoạt động kinh doanh khách sạn không hiệu quả dưới tác động của dịch COVID-19.
“Tôi đã cố tiết giảm chi phí tối đa để duy trì hoạt động khách sạn nhưng vì không có khách trong thời gian dài, cùng với áp lực của lãi ngân hàng quá lớn nên đành phải bán khách sạn đi”, anh Sơn buồn nói.
Không đủ chi phí để vận hành
Là một người làm trong lĩnh vực môi giới khách sạn, anh Đỗ Văn Hiển (Công ty Dana Hotel) cho hay, đến sau Tết Tân Sửu, giá bán khách sạn tại Đà Nẵng đã giảm 20%, phần lớn là khách sạn 3 sao với giá dao động từ 50-70 tỉ đồng.
“Trước khi rao bán, chủ khách sạn thường lựa chọn những nhà môi giới uy tín, đăng thông tin khéo léo để làm việc và khách hàng muốn mua phải chứng minh được nguồn tài chính của mình”, anh Hiển chia sẻ.
Theo anh Hiển, giai đoạn năm 2018-2019, dịch vụ khách sạn phát triển mạnh tại Đà Nẵng. Nhưng đến năm 2020 thì lượng khách lưu trú nhỏ giọt, nhiều khách sạn không có chi phí để vận hành.
Đầu năm 2021, ngành du lịch Đà Nẵng có tín hiệu phục hồi thì dịch bệnh tái bùng phát, các nguồn khách đến TP Đà Nẵng bị hủy 90%, dẫn đến các dịch vụ du lịch đóng băng trở lại.
Qua khảo sát, những khách sạn lớn dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp đều rơi vào tình trạng vắng khách, phải đóng cửa trong nhiều tuần qua. Chỉ có một số khách sạn từ 1 đến 3 sao vẫn còn hoạt động, phục vụ khách du lịch ở một số tỉnh lân cận TP.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng, đánh giá việc nhiều khách sạn phải rao bán là một quy luật bình thường giữa cung và cầu khi lượng khách sụt giảm trong một thời gian dài.
“Thời điểm này có thể là quá trình sàng lọc để cho thị trường trở nên minh bạch và rõ ràng hơn, đúng với nguồn khách và định hướng của TP”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, những doanh nghiệp có định hướng tốt có thể hoạt động lâu dài hoặc giai đoạn này sẽ xuất hiện những nhà đầu tư mới với những nguồn khai thác tạo ra sự khác biệt cho thị trường nghỉ dưỡng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận