Thủ tướng yêu cầu phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp
Tại cuộc họp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ngày 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… tuy có giảm so với trước nhưng chưa vững chắc. Từ đầu năm đến ngày 31/8, xảy ra 43 vụ/69 tàu/542 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý giảm 21 vụ/35 tàu so với cùng kỳ năm 2020 (cả năm 2020 xảy ra 83 vụ/142 tàu/947 ngư dân, năm 2019 xảy ra 145 vụ/229 tàu/1046 ngư dân).
Một số tỉnh bước đầu đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm về khai thác IUU chưa thật sự nghiêm minh, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế
Đặc biệt, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC), chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ”.
Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản. Đến nay mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%). Đặc biệt, còn tình trạng lắp đặt rồi ngắt kết nối khi đánh bắt. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm. Có địa phương xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên nhân chính những vấn đề do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền chưa tốt. Đặc biệt, một bộ phận người dân có lúc chưa có ý thức, trách nhiệm tốt trong thi hành các quy định liên quan đến khai thác thủy sản.
Thủ tướng yêu cầu mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phải hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm công việc, giám sát, kiểm tra. Các địa phương gồm 28 tỉnh thành phố, 136 huyện thị và đặc biệt là 675 xã phường thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, đạt được mục tiêu.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, trong đó đề nghị Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, khởi tố hình sự một số vụ việc vi phạm để răn đe, làm gương trên cơ sở quy định pháp luật.
Bộ NN&PTNT chủ trì đề xuất hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, nâng cao tính răn đe để người dân có ý thức hơn, đẩy mạnh số hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, quản lý, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hỗ trợ ngư dân. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị đánh dấu tàu cá, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật, nhất là tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận