Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, đánh giá hiện tượng “nhào nặn” thông tin tài chính
Trước thông tin từ Báo Đầu tư Chứng khoán phản ánh quan ngại của chuyên gia về khả năng các doanh nghiệp “nhào nặn” báo cáo tài chính, Văn phòng Chính phủ mới đây truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra, xử lý vấn đề này.
Báo Đầu tư Chứng khoán ra ngày 24/12/2019 đăng bài “Cẩn trọng với hiện tượng nhào nặn báo cáo tài chính cuối năm”, đề cập quan ngại của chuyên gia về tình trạng thao túng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết.
Để phát hiện các gian lận trên báo cáo tài chính vốn được che giấu rất tinh vi, đòi hỏi các các công ty kiểm toán cũng như nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên sâu về phương pháp phát hiện gian lận, hiểu về kỹ thuật quản trị lợi nhuận hay còn gọi là “kế toán sáng tạo” để biết được liệu doanh nghiệp có những biện pháp “nhào nặn” báo cáo tài chính hay không.
Bài viết chia sẻ gợi ý của chuyên gia về cách nhận ra các dấu hiệu “phù phép” trên báo cáo tài chính; lợi nhuận của doanh nghiệp có khả năng bị bóp méo theo xu hướng nào; doanh nghiệp áp dụng những phương pháp hay cách thức bóp méo số liệu như thế nào và khi nào họ thường áp dụng các phương pháp này…
Trước phản ánh trên, mới đây, Văn phòng Chính phủ có Công văn 11843/VPCP - KHTH truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá, chủ động có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
Trên thị trường, những mối ngờ về “nhào nặn” báo cáo tài chính thường được nhà đầu tư đặt ra với các doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn về số liệu trên báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, báo cáo tài chính giữa các năm có sự thay đổi đột biến như từng xảy ra tại Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành (TTF- HOSE) khi giá trị hơn 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất trên báo cáo tài chính.
Ngoài các trường hợp bị “lộ”, việc nhiều doanh nghiệp thường xuyên chậm công khai báo cáo tài chính khiến nhiều nhà đầu tư có quyền nghi ngờ có điều gì đó chưa chuẩn trong cách vận hành doanh nghiệp hoặc có uẩn khúc gì trong việc kế toán và công bố công khai sức khỏe tài chính định kỳ.
Liên quan đến chậm công khai báo cáo tài chính, năm 2019, hàng loạt doanh nghiệp mắc lỗi này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt.
Mới nhất, UBCK đã xử phạt 60 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội (số 30A, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội), do mắc nhiều lỗi vi phạm, trong đó có hành vi báo cáo không đúng thời hạn đối với báo cáo tài chính riêng, hợp nhất năm 2016 đã được kiểm toán; báo cáo tài chính riêng, hợp nhất năm 2017 đã được kiểm toán…
Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Pacific Bridge (tầng 6, số 99 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cũng vừa bị phạt 85 triệu đồng do nhiều lỗi, trong đó có hành vi nhiều báo cáo không thực thi đúng thời hạn.
Để hạn chế tình trạng thao túng báo cáo tài chính và nâng cao chuẩn minh bạch thông tin tài chính, Bộ Tài chính đang thúc đẩy các giải pháp nhằm triển khai áp dụng lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Dự kiến bắt đầu từ năm 2022, một số loại hình doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế.
Từ 2025, chuẩn IFRS sẽ áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn.
Cũng liên quan đến Báo Đầu tư Chứng khoán, ngày 14/6/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5251/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, tham khảo nội dung thông tin trên Báo ra ngày 28/5/2019 để phục vụ công tác quản lý và nhiệm vụ được giao.
Theo đó, bài báo thông tin rằng: “Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm cơ hội ở Việt Nam nhưng chưa tìm được kết nối và đối tác đáng tin cậy. Một số cơ quan có thông tin cơ bản bằng tiếng Anh, còn doanh nghiệp hầu hết công bố bằng tiếng Việt.
Sửa Luật Chứng khoán mở thêm không gian phát triển sản phẩm mới, nhưng quan trọng phải tạo nền tảng pháp lý, quyết liệt thúc doanh nghiệp trên sàn minh bạch thông tin, công bố bằng tiếng Anh, báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế”.
Sau công văn của Văn phòng Chính phủ, tháng 9/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn gửi đến Báo Đầu tư Chứng khoán, chia sẻ thông tin cụ thể về các vấn đề bài báo nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận