menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Vân

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng xây dựng kịch bản phục hồi

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine diện rộng.

Chiều 6/9, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh.

Đồng thời, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.

Kinh tế 8 tháng vẫn ổn định

Thông tin về cuộc họp Chính phủ ngày 6/9, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tình hình kinh tế-xã hội cả nước vẫn ổn định.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự quyết tâm, đồng lòng, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, trong 8 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Theo đó, CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng 7; bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Thu ngân sách cả nước mặc dù trong những tháng gần đây có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh nhưng tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Điều này góp phần bảo đảm các nhiệm vụ chi, nhất là cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân.
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; an ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 5,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2%; trong đó, xuất khẩu tăng 21,2%.

Thị trường trong nước được chú trọng; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt có chiều hướng phát triển.

Vốn FDI thực hiện đạt hơn 11,58 tỷ USD, tăng 2%. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh và nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, hành chính, dịch vụ...

Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Chính phủ cũng sắp ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, dù so với mong muốn và yêu cầu chưa đáp ứng được.

Đến nay, cả nước đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền hơn 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ.

Cùng đó, xuất cấp 134 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; triển khai 2 triệu túi an sinh xã hội. Các địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Điều hành hài hòa, hơp lý

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng xây dựng kịch bản phục hồi
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Cũng theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng.

Đồng thời, điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho hạ tầng cứng và mềm; nơi nào không giải ngân được, không có dự án thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt.

Sắp tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 40% để có giải pháp phù hợp.

Cùng với đó, các bộ, ngành có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh việc có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.

Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh sau khi được ban hành; tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Các cấp, các ngành chủ động tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc xuất hiện từ tình hình dịch bệnh cho doanh nghiệp.

Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng đã yêu cầu các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản; chú trọng nâng cao năng lực lưu trữ, bảo quản nông sản, nhất là công nghệ sau thu hoạch.

Cùng đó, bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi, không để gián đoạn sản xuất; duy trì, tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn.

Cùng với đó, các ngành chức năng làm tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, rà soát, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, nghiên cứu huy động các quỹ để tham gia nhiệm vụ chăm lo an sinh xã hội.../.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại