Thủ tướng Olaf Scholz: 'Ông Putin không đe dọa tôi hay nước Đức'
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố đã đạt được sự đồng thuận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Kiev sẽ không sử dụng vũ khí phương Tây, bao gồm cả xe tăng Leopard của Đức, để tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag, Thủ tướng Đức một lần nữa đổ lỗi cho Mátxcơva về cuộc xung đột ở Ukraine, lập luận rằng “sự gây hấn vô cớ của Nga” đã dẫn đến sự can thiệp của phương Tây với viện trợ quân sự nhằm bảo vệ “trật tự hòa bình châu Âu”.
“Cùng với các đồng minh của mình, chúng tôi đang cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine để họ có thể tự vệ”, ông Scholz nói, cho biết thêm Berlin “cân nhắc cẩn thận từng chuyến viện trợ vũ khí, phối hợp chặt chẽ trước hết là với Mỹ.”
Tháng trước, Berlin đã cam kết cung cấp 14 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine từ kho dự trữ của quân đội Đức. Quyết định được đưa ra sau khi Mỹ hứa sẽ viện trợ một số xe tăng M1 Abrams cho Kiev vào khoảng cuối năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn, nhà lãnh đạo Đức bác bỏ bất kỳ lo ngại nào về việc vũ khí của Berlin một lần nữa được sử dụng để chống lại binh lính Nga, coi đó là "sự so sánh lịch sử khó hiểu".
Tại buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 80 năm chiến thắng Trận Stalingrad hôm 2/2, Tổng thống Nga Putin nói rằng điều đó “không thể tin được, nhưng là sự thật – chúng ta một lần nữa bị đe dọa bởi xe tăng Leopard của Đức”. "Những người tìm cách đánh bại Nga trên chiến trường dường như không nhận ra rằng một cuộc chiến tranh hiện đại với Nga sẽ hoàn toàn khác", ông nói thêm.
Khi được hỏi về các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức nói: “Không, ông Putin không đe dọa tôi hay nước Đức”.
Trước đó, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với BBC rằng ông đã bị Tổng thống Putin đe dọa bằng tên lửa. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này.
Giải thích cho việc viện trợ vũ khí của phương Tây, ông Scholz cho biết đã có một “sự đồng thuận” với Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng những vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, không rõ “lãnh thổ Ukraine” có bao gồm những khu vực đã sáp nhập Nga hay không. Bán đảo Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, Kherson và Zaporozhye đều đã sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. Kiev và phương Tây tuyên bố không công nhận kết quả này, do đó vẫn coi các vùng lãnh thổ trên thuộc Ukraine.
Trước đó, Mỹ cũng từng tuyên bố đã đạt thỏa thuận với Ukraine về việc không sử dụng Mỹ để tấn công các mục tiêu ở Nga. Tuy nhiên, Washington cho biết hạn chế này không áp dụng cho Crimea và các vùng lãnh thổ mới sáp nhập khác của Nga. Các quan chức Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố rằng Kiev được tự do lựa chọn mục tiêu tấn công.
Nga thời gian gần đây tiếp tục nói bóng gió về cách sẽ đáp trả việc quân đội Ukraine tấn công lãnh thổ nước này. Hôm 1/2, Tổng thống Vladimir Putin đã giao nhiệm vụ cho quân đội Nga phải “loại bỏ mọi nguy cơ về các cuộc tấn công bằng pháo vào lãnh thổ Nga”.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 2/2 rằng Mátxcơva sẽ “đẩy lùi” quân đội Ukraine ra xa khỏi ranh giới, đến nơi mà họ không còn là mối đe dọa cho Nga. “Vũ khí cung cấp cho Kiev có tầm bắn càng xa thì quân đội của họ sẽ càng bị đẩy ra xa hơn”, ông Lavrov nói.
Mátxcơva cảnh báo Washington rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga, khiến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành một bên trong cuộc xung đột. Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không tham gia vào các hành động thù địch nhưng vẫn tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev.
Theo RT
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận