Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam vẫn tăng trưởng được trong dịch COVID-19 nhờ trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng được, trong đó có trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp, nông thôn.
Chiều 28/9, hội nghị "Thủ tướng đối thoại với nông dân" tại Đắk Lắk - sự kiện được mong chờ nhất trong năm của nông dân miền Trung - Tây Nguyên đã chính thức diễn ra.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại.
Chủ đề của hội nghị đối thoại lần này là: Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.
Theo ban tổ chức, ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo về việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 (ngày 24/6/2020), ban tổ chức đã mở các kênh tiếp nhận để bạn đọc, bà con nông dân gửi câu hỏi tới người đứng đầu Chính phủ. Tính đến thời điểm này, đã tiếp nhận được hơn 1.500 câu hỏi khác nhau do bà con nông dân trực tiếp gửi.
Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá, năm nay vì xảy ra COVID-19, không ít lao động bị mất việc làm. Tuy nhiên lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hầu như không bị thất nghiệp, trong khi thành thị thất nghiệp rất nhiều. Ví dụ như nước Nhật, là nước công nghiệp nhưng Chính phủ nước này còn phải cấp tiền cho người lao động về nông nghiệp làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ, Bộ ngành muốn nghe những tâm tư nguyên vọng có kiến nghị khó khăn gì để đề nghị với Chính phủ. Từ quy hoạch sản xuất, tới tiêu thụ sản phẩm, có khó khăn gì bà con nêu lên.
"Hiện nay lực lượng lao động của chúng ta rất dồi dào, có tới 65% nông dân sinh sống ở nông thôn, trong vấn đề đầu tư phát triển nhân lực, chúng ta cần phát huy thế mạnh này, tiềm lực này", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần nông nghiệp, nông thôn Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước qua các thời kì kháng chiến, xây dựng đất nước, hay dịch bệnh COVID-19…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng được, trong đó có trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp, nông thôn.
"Đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt tới 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu", Thủ tướng nói.
Về nông thôn mới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đạt mục tiêu hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã đặt mục tiêu 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. "Bên cạnh đó, chúng ta đang hình thành lớp nông dân mới, Chính phủ rất tự hào về điều này, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp, nông thôn từ đồng bằng đến miền núi có sự tăng trưởng tốt như vậy", Thủ tướng nhận định.
Theo người đứng đầu Chính phủ, năm nay đại dịch, song cơ bản chúng ta vẫn được mùa trúng giá từ lúa gạo, thuỷ sản, trái cây… Có thể nói nông nghiệp thắng lợi toàn diện. Số hộ thiếu đói giảm 70% so với cùng kỳ. Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng trách nhiệm của chúng ta còn nhiều việc cần làm, còn nhiều trăn trở cần giải pháp tháo gỡ.
Về thị trường, Thủ tướng cho rằng phải mở thị trường mới, "EVFTA khó vậy mà chúng ta còn vào được". Tuy nhiên, tỷ lệ chế biến các mặt hàng nông sản còn thấp, như cà phê mới có 12%. Vốn liếng còn khó khăn, tín dụng tăng trưởng 6% nhưng mà nông nghiệp được đầu tư bao nhiêu?
"Hôm nay có đại diện Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu phía ngân hàng phải trả lời được câu hỏi làm thế nào tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân", Thủ tướng Chính phủ nói.
Ngoài ra, tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng cũng còn nhức nhối, gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho bà con.
"Tôi hi vọng lần này chúng ta sẽ tập trung mạnh vào những vấn đề bức xúc cần tháo gỡ. Hi vọng sau hội nghị này, sẽ có thêm những lớp nông dân mới về kiến thức, ý chí, tư duy mới, suy nghĩ mới, cái thời con trâu đi trước cái cày theo sau đã qua rồi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng chúng ta làm thế nào phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường của nông dân, suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, từ đó giải quyết tốt các vấn đề ở nông thôn, nông dân. Đó không chỉ là vật chất, tinh thần đang đặt ra ở nông thôn, nhất là nông thôn ở miền Trung, Tây Nguyên. Vùng Tây Bắc heo hút, khó khăn hơn nhiều, nhưng chúng ta cần phối hợp để làm sao 15 cơ quan nhà nước ngồi đây cùng tập trung giải quyết.
"Đối thoại phải là thiết thực chứ không phải là hình thức", Thủ tướng nói.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Thào Xuân Sùng nhận định, dịch bệnh COVID-19 chắc chắn sẽ được kiểm soát, thế giới và Việt Nam lại trở về trạng thái bình thường, trong đó, người nông dân lại tiếp tục công việc sản xuất, kinh doanh, cũng như đối mặt với những khó khăn, thử thách.
Ông Thào Xuân Sùng đánh giá, với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, Hội nghị càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19 vừa qua.
Chủ đề của hội nghị càng ý nghĩa đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên bởi đây là khu vực không chỉ được Đảng, Nhà nước xác định có tầm chiến lược về an ninh quốc phòng mà còn có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó các thế mạnh, tiềm năng về kinh tế biển, dịch vụ du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; phát cây công nghiệp - công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận