Thủ tướng: 'Nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng'
Lãnh đạo Chính phủ đánh giá thiếu nguồn cung xăng dầu phần lớn do nguyên nhân chủ quan, cần nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá và điều hành linh hoạt hơn.
"Chúng ta đã có các cơ chế, chính sách như quỹ bình ổn giá nhưng việc áp dụng, phối hợp giữa các cơ quan phải kịp thời, hiệu quả hơn. Thực tế vừa qua, một số cơ quan phối hợp chưa kịp thời, hiệu quả, cần kiểm điểm lại", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi đề cập đến tình trạng khan hiếm xăng dầu tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền, sáng 13/10.
Thủ tướng đánh giá tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu vừa qua là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi. Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý, làm việc với các doanh nghiệp. Theo báo cáo, tại các địa phương như TP HCM, An Giang, Bình Phước, Đăk Lăk..., đến nay tình hình đã cơ bản được giải quyết.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình thiếu nguồn cung xăng dầu có nguyên nhân khách quan như đứt gãy cung ứng, giá xăng dầu thế giới lên xuống nhanh, khó dự báo, có doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với giá cao nhưng sau đó giá xuống thấp nên có thể thua lỗ, điều này cần được chia sẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Vừa qua, ông đã yêu cầu các cơ quan rà soát kỹ cơ chế, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình.
Trong đó, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá và các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu...; công tác điều hành, phản ứng chính sách cũng cần phải linh hoạt, nhanh hơn, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định thì phải xử lý. Việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng cho biết việc này được triển khai theo Nghị quyết 27 của Trung ương, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng của đại dịch nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan chức năng đã điều chỉnh tiền lương cho người lao động và nâng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng chính sách.
Ngày 9/10, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan đang chịu trách nhiệm rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Chính phủ đã cử một phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực tập trung theo dõi, đôn đốc, xử lý vấn đề này.
"Tôi đã chỉ đạo phân cấp việc đấu giá, chỗ nào làm tốt nhất thì phân cấp chỗ đó. Cần rà soát lại, các địa phương phải đề xuất việc này", Thủ tướng nói và cho rằng cấp nào làm tốt nhất, thuận lợi nhất, vừa đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm vừa phải đảm bảo chất lượng thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế và hiệu quả thì phân cấp, phân quyền cho chỗ đó.
Trước đó, các cử tri Cần Thơ kiến nghị nhiều vấn đề với Tổ đại biểu Quốc hội như: tình trạng khan hiếm xăng dầu; việc thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng trên cả nước từ tháng 4; cải cách tiền lương đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông, logistics, cảng biển, đường cao tốc, sân bay trên cả nước và khu vực...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận