Thủ tướng: 'Chọn nhà thầu kém nên thi công ì ạch chứ có gì đâu'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy khi chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành về thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, tổ chức ngày 29-10.
"Các đồng chí cũng không cần ngại đụng chạm đến địa phương này hay địa phương kia khi nêu ý kiến. Mình phải nhìn nhận và biết yếu kém ở đâu thì mới thúc đẩy được giải ngân, mới gỡ các vướng mắc một cách thật sự được", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như trên trước khi yêu cầu các địa phương báo cáo những nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân nguồn vốn ODA vẫn chậm, không như Chính phủ kỳ vọng.
Theo Thủ tướng, không chỉ chủ đầu tư, ban quản lý dự án có năng lực kém, lúng túng mà còn không có kinh nghiệm trong tổ chức thi công, khiến việc chuẩn bị dự án còn sơ sài, đơn giản.
Riêng với vướng mắc giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đặt vấn đề "tại sao nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng được, có phải do chúng ta chưa quan tâm, chưa có cách làm đúng mức không?", và nói thẳng "các đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đã quyết chí để có cách làm tốt trong tìm mặt bằng tốt cho dự án ODA chưa?".
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một trong những nguyên nhân chậm trễ do quá trình điều chỉnh thường phải lấy ý kiến nhiều cơ quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, nhiều cơ quan chậm trễ trong việc có ý kiến.
Nhiều trường hợp 2-3 tháng mới nhận được ý kiến của các cơ quan, như dự án Phát triển hạ tầng du lịch do ADB tài trợ hoặc chậm trễ trong việc ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp mà quá trình đàm phán các hiệp định vay với các nhà tài trợ.
Đặc biệt với các nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... thường kéo dài, có trường hợp trên 3 năm.
"Xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính do việc đàm phán các điều khoản về thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Ngoài ra, quá trình thẩm định cho vay lại đối với các cơ quan, đặc biệt với các đơn vị sự nghiệp công lập mất nhiều thời gian, có trường hợp hiệp định vay đã ký song hợp đồng vay lại phải mất 1-2 năm mới được ký kết", ôngDũng thông tin.
Báo cáo hội nghị, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết đối với vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương, thành phố đã phân bổ chi tiết khoảng 5.044 tỉ đồng cho 6 dự án.
Tính đến ngày 30-9-2020, thành phố đã giải ngân 1.490 tỉ đồng, đạt 29,5% so với kế hoạch vốn được giao so với ước giải ngân năm 2020 khoảng 2.058 tỉ đồng (đạt 40,8% so với dự toán Bộ Kế hoạch - đầu tư giao cho thành phố).
Còn vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thành phố đã phân bổ chi tiết gần 10.487 tỉ đồng cho 5 dự án, hiện đã giải ngân khoảng 4.857 tỉ đồng, đạt 46,3% so với kế hoạch vốn được giao.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, để TP.HCM có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án ODA, việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên cần được các bộ, ngành liên quan giải quyết rốt ráo hơn.
Cụ thể, UBND TP đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính để xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của dự án (bằng tiền VND), trong đó giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chưa giải ngân cho dự án là 3.682 tỉ đồng, cũng đã được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chấp thuận tại công văn ngày 28-8-2019.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, đến nay này vẫn chưa xác định giá trị vốn ODA cấp phát bằng tiền đồng cho dự án, nên thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố điều chỉnh giảm toàn bộ số vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương đã phân khai cho dự án gần 2.185 tỉ đồng điều chuyển sang năm 2021.
Đồng thời giao Bộ Kế hoạch - đầu tư bố trí đầy đủ 3.682 tỉ đồng để giải ngân cho dự án trong năm 2021.
Riêng dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, TP.HCM đã ký kết được 3 hiệp định vay với JICA có tổng vốn là 155,364 tỉ yen, chuẩn bị ký hiệp định vay thứ 4 (khoản vay cuối của dự án) có giá trị khoảng 33 tỉ yen, ông Hoan cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ thành phố xúc tiến với phía Nhật để thực hiện các thủ tục và hoàn tất ký kết khoản vay thứ 4 trước ngày 30-6-2021 nhằm đảm bảo đủ vốn cho công tác giải ngân.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, số vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 được Thủ tướng giao khoảng 60.000 tỉ đồng, trong đó bộ, ngành trung ương khoảng 21.516 tỉ đồng, các địa phương xấp xỉ 38.484 tỉ đồng.
Tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương tính đến ngày 31-10-2020 ước đạt 18.089 tỉ đồng, bằng 30,1% so với kế hoạch giao. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về giá trị (12.367 tỉ đồng) và tỉ lệ (27%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận