Thủ tướng Chính phủ: “Quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025”
Sáng 28/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo định hướng nhằm phát triển TTCK trong tương lai. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025. Trở thành thị trường mới nổi, TTCK sẽ góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm.
Trong phần phát biểu, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK. "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột.
Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu.
Theo đó, TTCK là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Khi phát triển đến trình độ cao, TTCK có vai trò là "hàn thử biểu" của nền kinh tế.
"Tóm lại, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.
“Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp", Thủ tướng phát biểu bày tỏ mong muốn thị trường tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột.
6 định hướng quan trọng trong phát triển TTCK
Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 có nhiều nội dung, song Thủ tướng nhấn mạnh 6 điểm:
Các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đối với ngành chứng khoán
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới nhằm phát triển TTCK.
(1) Đối với cơ quan quản lý:
- Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
- Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 155.
- Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia TTCK Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - nhà đầu tư.
- Tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh kiểm tra TTCK nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm trên TTCK, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật những trường hợp, hành vi vi phạm, đảm bảo TTCK phát triển bền vững và vận hành được công bằng, công khai, minh bạch.
- Mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin chính thống về TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chú trọng hơn công tác truyền thông nâng cao hiểu biết, trình độ, khả năng phân tích của các nhà đầu tư.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nhanh chóng rà soát, cắt bỏ, sửa đổi các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán, TTCK nói riêng.
- UBCKNN tiếp tục phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề; từng bước chuyển giao hoạt động thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.
- Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được". Trong đó:
+ Giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN, Bộ KH&ĐT khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (báo cáo kết quả trước ngày 30/06/2024).
+ Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên TTCK, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.
+ Bộ KH&ĐT khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh.
+ NHNN khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường; tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo các ngân thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
(2) Đối với các công ty chứng khoán:
- Đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025"; nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường; phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ được phép hoạt động.
- Tiếp tục phát triển hoạt động khối các công ty chứng khoán theo hai mô hình: đa năng (thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) và chuyên doanh (thực hiện một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán); tăng cường vai trò tạo lập thị trường, nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hướng dẫn, quản lý và giám sát việc áp dụng công nghệ tài chính trong giao dịch chứng khoán.
(3) Đối với các nhà phát hành:
- Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.
- Phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
- Tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
- Khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.
- Tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới (các sản phẩm tốt).
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để nhà đầu tư yên tâm. "Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận