Thủ tướng: "Các đồng chí phải "sờ gáy" những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc"
Các đồng chí phải 'sờ gáy' những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm', Thủ tướng Chính phủ nói
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.
Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%...
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng năm 2020 cơ bản tương tự như các năm trước, tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại diện bộ, ngành, các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vấn đề giải ngân tốt vốn đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người, "từ công trình mà giải quyết tiền lương, từ công trình mà giải quyết vật liệu, từ công trình mà giải quyết việc làm cho hàng triệu người", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, giải ngân năm nay tốt hơn mấy năm trước, tăng 9% so với cùng kỳ, nhưng tình trạng trì trệ vẫn xảy ra. Có nhiều địa phương làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể, nhưng còn một số bộ, ngành, địa phương trì trệ, chưa biết làm việc, không quyết tâm, không chỉ đạo hệ thống vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các dự án.
Thủ tướng lấy ví dụ về Tiền Giang, tỉnh cam kết thông xe đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vào cuối năm nay. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân trong diện phải giải tỏa, di dời. Một công trình trì trệ trong 5-7 năm trước thì bây giờ, trong vòng 1 năm đã làm được. Hay Bộ Giao thông vận tải cũng cam kết bảo đảm giải ngân 100% số vốn được giao, trừ một số công trình cao tốc, phấn đấu giải ngân tối thiểu 70%. Bộ Xây dựng ban hành nhiều thể chế thuận lợi cho đầu tư xây dựng cơ bản, đã đình chỉ một số cán bộ làm chậm về thủ tục.
"Các đồng chí phải "sờ gáy" những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết, nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình", Thủ tướng nói.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ còn 25-26 tuần là hết năm, do đó, Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Quốc hội, Chính phủ đã mở ra một cơ chế cho các địa phương, các ngành. "Các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Trước hết phải xử lý các ách tắc trong từng địa phương, từng ngành và từ đó đưa ra những biện pháp cần thiết. Từng bộ, từng ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tỉnh; tỉnh kiểm tra, đôn đốc huyện, xã. Trung ương kiểm tra một số bộ, ngành trọng điểm…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận