Thủ tục đất đai vẫn tắc
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản đề nghị sớm ban hành Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo sự đồng bộ, giải quyết ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng của hàng trăm dự án nhà ở.
Qua đó, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là vừa phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế vững chắc.
Nhiều vướng mắc
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai hiện hành đang có độ vênh với Hiến pháp và một số luật liên quan được ban hành sau năm 2013, trong đó tồn tại 3 lỗ hổng lớn. Cụ thể, vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường; việc Nhà nước thu hồi đất, bồi thường tái định cư; việc quyết định hành chính về đất đai có thể sinh lợi nên tạo điều kiện nảy sinh tham nhũng.
"Đơn cử, quy định về xử lý dự án treo của Luật Đất đai 2013 với dự án chậm triển khai, cho phép gia hạn 24 tháng. Sau 24 tháng mà nhà đầu tư vẫn treo dự án thì Nhà nước sẽ thu hồi đất và toàn bộ tài sản trên đất. Trong khi đó, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII nêu hướng xử lý với dự án treo là đánh thuế hoặc phạt nặng" – GS.TSKH Đặng Hùng Võ viện dẫn.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Cao Ngãi – Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, Luật Đất đai hiện hành đang gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc do hệ thống pháp luật chưa kịp thời khắc phục được những tồn tại trong nhiều năm. Những điều chỉnh tại một số địa phương thiếu sự phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt liên quan đến hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng, xác định giá đất không sát giá thị trường. Đây là một trong những kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực, gây thất thoát ngân sách khi tiến hành chuyển quyền sử dụng đất.
"Cùng với đó, quy định về việc thu hồi đất trong thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, áp dụng thiếu thống nhất nên nhiều địa phương lúng túng trong việc giải quyết hoặc ban hành quyết định hành chính thiếu cơ sở pháp lý dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Đơn cử, quy định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được điều chỉnh bởi Nghị định số 102/2014/NĐ-CP nhưng vấn đề xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp "người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước" không được quy định" – luật sư Trần Cao Ngãi cho hay.
Sớm đồng bộ các văn bản luật
Các chuyên gia cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 đã tập trung vào nhiều vấn đề phức tạp như khung giá đất; kinh tế, tài chính đất đai; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh...
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung lần này có nhiều nội dung thiết thực, như: Cơ chế xử lý đối với những thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư, dự án nhà ở, giúp tháo gỡ điểm nghẽn để tái khởi động trở lại hàng trăm dự án nhà ở bị "đắp chiếu" trong 5 năm qua.
Cùng với đó, cơ chế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng, giải quyết được vướng mắc về việc cấp "sổ hồng" đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch (gọi chung là căn hộ condotel), căn hộ văn phòng (officetel), căn hộ thương mại (shophouse), căn hộ dịch vụ (serviced apartment) thuộc dự án kinh doanh BĐS không phải là dự án nhà ở. Ngoài ra, quy định chặt chẽ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất, để ngăn chặn, kiểm soát tình trạng phân lô bán nền trái phép tràn lan trong những năm gần đây...
"Tuy nhiên, cho đến nay, nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định thi hành Luật Đất đai vẫn chưa được ban hành, do còn phải tiếp tục lấy ý kiến. Vì vậy, các bộ, ngành cần khẩn trương có ý kiến trình Chính phủ xem xét thông qua và sớm trình Quốc hội ban hành, để tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc của thị trường BĐS, nhất là tạo điều kiện để khởi động lại những dự án kinh doanh BĐS, dự án nhà ở, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra" – ông Lê Hoàng Châu cho hay.
"Hiện nay, trong quá trình áp dụng Luật Đất đai có nhiều bất cập, dẫn đến việc thu hồi đất xảy ra tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân. Đề nghị xây dựng sửa đổi Luật Đất đai cần đồng bộ với các luật khác để thực hiện bớt chồng chéo, vướng mắc... khi triển khai áp dụng vào thực tiễn" - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận