Thứ trưởng Lê Công Thành: Chính phủ có vai trò 'đòn bẩy' thu hút nhà đầu tư cho ĐBSCL
Chính phủ cũng đã tăng đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng với vai trò là đòn bẩy nhằm thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng cường kết nối kinh tế - hạ tầng nội vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và các cơ quan liên quan định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã có cuộc trao đổi với Nhadautu.vn xung quanh vấn đề này.
Phát triển ĐBSCL theo hướng "thuận thiên"
Thưa ông, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, việc triển khai các chương trình tổng thể, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đạt được những kết quả cụ thể gì và tạo ra những đột phá như thế nào cho vùng ĐBSCL?
Ngay sau "Hội nghị Diên Hồng" về phát triển bền vững ĐBSCL do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì năm 2017, Nghị quyết 120 đã được ban hành. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là là Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự hưởng ứng của người dân ĐBSCL. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển ĐBSCL theo hướng "thuận thiên". Từ chỗ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản… đã chuyển đổi sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tư duy phát triển đã thay đổi toàn diện, coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả. Trên cơ sở đó, đa dạng hóa sản phẩm như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản nước ngoạt, nước lợ, nước mặn.
Chương trình tổng thể của Nghị quyết đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù cho vùng như thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, lập nhiệm vụ quy hoạch tổng thể ĐBSCL theo phương pháp tích hợp đa ngành với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu về lập quy hoạch; phê duyệt các đề án về tái cơ cấu nông nghiệp bền vững; xúc tiến thương mại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy liên kết giữa nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông trong sản xuất, tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm; ưu tiên khuyến khích đầu tư tư nhân; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao…
Trong triển khai Nghị quyết, ĐBSCL được coi là thể thống nhất trong đa dạng, từ đó triển khai nhiều giải pháp, chương trình, quy hoạch mang tính liên ngành, liên vùng như công tác quy hoạch, công tác dự báo, cảnh báo cho tổng thể vùng; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai trên phạm vi toàn vùng, từ đó triển khai các giải pháp, biện pháp về tích nước, chuyển đổi thời gian canh tác, mùa vụ, khắc phục xâm nhập mặn… hay như đầu tư các công trình có tính kết nối toàn vùng như đường giao thông, thủy lợi.
Đã huy động sự chủ động vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các đối tác quốc tế và đặc biệt là thực hiện được mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Từ đó, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới theo hướng “phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau”.
Đẩy mạnh điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả các nguồn lực của ĐBSCL. Điển hình là hoàn thành bản đồ mô hình số độ cao, bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL, hoàn thành xây dựng Trung tâm Quan trắc môi trường vùng ĐBSCL… Đặc biệt, trong các đợt hạn mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp, cung cấp được cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn cho ĐBSCL.
Đến nay, Bộ TN&MT đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, đối với các địa phương công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn, bộ đã hỗ trợ trực tiếp thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để khắc phục các hậu quả, đưa ĐBSCL vượt qua được các đợt hạn mặn khốc liệt thời gian qua.
Tôi cho rằng, Nghị quyết 120 là ngọn cờ đi đầu, là Nghị quyết "vàng", là nguồn cảm hứng để người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền phát huy tính sáng tạo, chủ động để thích ứng một cách có hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy, từ các kết quả thực hiện Nghị quyết như đã nêu ở trên, đã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến hay, nổi bật là: Mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh tại tỉnh Kiên Giang, mô hình nuôi cá tra, mô hình nuôi tôm nước lợ, mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, mô hình du lịch sinh thái của tỉnh An Giang, mô hình lúa chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre… Những mô hình này đã từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân vùng ĐBSCL đã có những thay đổi đáng kể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phương châm hành động của Chính phủ khi đầu tư nguồn lực, triển khai Nghị quyết 120 là: "Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng". Trong 3 năm qua, phương châm này đã được triển khai cụ thể như thế nào?
Chính phủ đã đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, bao gồm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách như tôi đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tăng đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng với vai trò là "đòn bẩy" nhằm thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và các tiểu vùng, tăng cường kết nối kinh tế - hạ tầng nội vùng và giữa ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác quốc tế đã đầu tư triển khai nhiều dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo, logistics… Có thể thấy, những dự án này đã làm thay đổi bộ mặt của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước. Bức tranh đầu tư cho ĐBSCL đã có nhiều mảng màu rất sáng.
Về phía người dân, từ chuyển biến về nhận thức đã dẫn đến các thay đổi về tư duy và hành động, bám sát các chủ trương, chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tích cực tham gia vào chuyển đổi quy mô lớn, phát triển chuỗi giá trị, từ đó, nâng cao giá trị gia tăng về kinh tế và thương hiệu của toàn vùng. Chúng ta có thể thấy được minh chứng cho việc này thông qua hình ảnh được mùa của nhân dân vùng ĐBSCL trong những ngày đầu Xuân Tân Sửu. Trong bối cảnh ĐBSCL vẫn chịu ảnh hưởng của các đợt xâm nhập mặn khốc liệt, nhưng người dân vẫn có một vụ thu hoạch được mùa, được giá.
Vướng trong xây dựng quy hoạch
Thứ trưởng có thể cho biết những khó khăn, thách thức khi triển khai Nghị quyết 120 trong 3 năm qua, đâu là những nguyên nhân cốt lõi của những vướng mắc này?
Có thể kể đến những thách thức chính như việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết 120 vẫn còn chậm, đặc biệt, các chính sách đẩy mạnh phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL. Một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, đồng bộ với nguồn lực thực hiện dẫn đến hiệu quả chính sách không cao.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân vùng kinh tế theo ngành, lãnh thổ dựa vào các điều kiện tự nhiên còn chậm, vẫn còn xung đột phát triển giữa các loại hình kinh tế dẫn đến hiệu quả kinh tế-xã hội chưa cao, thiếu tính bền vững.
Vấn đề sụt lún, sạt lở mặc dù đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư khắc phục nhưng chưa đủ, vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, việc huy động và phát triển nguồn lực cho phát triển ĐBSCL bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ mặc dù đã có nhiều chuyển biến mạnh, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Từ thực tiễn triển khai, có thể thấy được nguyên nhân cốt lõi của các thách thức nêu trên.
Về cơ chế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực ban hành, bổ sung một số cơ chế, chính sách cho riêng vùng ĐBSCL, nhưng các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, đồng thời phải phù hợp với khuôn khổ tổng thể chính sách phát triển chung của cả nước.
Về nguồn lực thực hiện, Nghị quyết 120 được ban hành sau khi chương trình đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua. Chính vì vậy, mặc dù đã được quan tâm đầu tư phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Có một thực tế cần nhìn nhận là phần lớn các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển biền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Về quy hoạch, Luật Quy hoạch được ban hành với các yêu cầu và nội dung mới dẫn đến một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợp và các quy hoạch ngành, địa phương để tích hợp vào quy hoạch vùng ĐBSCL.
Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị quyết 120 lần này, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương thảo luận những vấn đề trọng tâm gì?
Trên cơ sở các báo cáo đánh giá kết quả tổng hợp đạt được của các bộ, ngành, địa phương kể từ khi thực hiện Nghị quyết đối với từng lĩnh vực cụ thể được giao, hội nghị tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Cụ thể là, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120 và các văn bản có liên quan.
Xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết, bao gồm các chiến lược, quy hoạch, nhiệm vụ, dự án, công trình trọng điểm cần triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; các giải pháp về cơ chế, chính sách, khoa học và công nghệ, nguồn lực; sự tham gia và định hướng hỗ trợ thực hiện Nghị quyết của các đối tác phát triển trong thời gian tới.
Hội nghị cũng bàn các giải pháp tăng cường liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Hội nghị thảo luận các báo cáo quan trọng: Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, đề xuất giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới. Báo cáo kết quả quy hoạch vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL; báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 120 trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; báo cáo về phát triển hạ tầng giao thông, tình hình thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối vùng ĐBSCL với các trung tâm phát triển kinh tế; báo cáo về việc thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, nông thôn, sắp xếp, bố trí lại dân cư, cung cấp nước sạch cho người dân vùng ĐBSCL; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 120 tại Cần Thơ; báo cáo về sự tham gia hỗ trợ của các đối tác phát triển trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20; báo cáo của các địa phương như TP.HCM, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận