Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Còn điều gì băn khoăn?
Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư có những quan điểm trái chiều, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là biện pháp cần thiết để thêm nguồn kinh phí duy tu và mở rộng hệ thống cao tốc khác…
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự thảo nghị định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Dự thảo nghị định này khẳng định đường cao tốc do Nhà nước xây dựng sẽ được tổ chức thu phí. Mức phí có sự chênh lệch giữa các loại xe và các loại đường cao tốc khác nhau dự kiến từ 900 đồng đến 6.000 đồng/km.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, biểu phí trên được xây dựng theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí có liên quan (chi phí quản lý, tổ chức vận hành thu phí, bảo trì đường…), có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và tính đến lợi ích của người sử dụng đường cao tốc.
Theo thông lệ quốc tế, người sử dụng đường cao tốc thường sẵn sàng chi trả mức chi phí tương đương với 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc. Với mức phí đề xuất như trên, Cục Đường bộ Việt Nam ước tính khi áp dụng thu cho 10 tuyến cao tốc đang khai thác, số phí thu được là 3.210 tỷ đồng/năm và số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm.
Đơn vị quản lý thu phí cao tốc có thể là cơ quan quản lý đường bộ, tổ chức nhận nhượng quyền thu phí hoặc tổ chức nhận nhượng quyền kinh doanh - quản lý tài sản kết cấu đường cao tốc.
Theo dự thảo, toàn bộ số tiền thu phí (sau khi trừ chi phí cung cấp dịch vụ thu phí) sẽ được chuyển vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của đơn vị quản lý thu mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ lần chuyển tiền trước đó, trừ các trường hợp đặc biệt đã được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ thu phí.
Bình luận về việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, một số ý kiến vẫn bày tỏ quan ngại tình trạng “phí chồng phí” bởi hiện nay tất cả các loại xe ô tô đã đăng ký lưu hành đều phải nộp phí sử dụng đường bộ. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc Nhà nước đầu tư bằng tiền thuế của dân, nay người dân sử dụng lại thu thêm lần nữa là vô lý, chồng chéo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc thu phí cao tốc này là đúng và cần thiết để đảm bảo nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng trong suốt quá trình khai thác.
Tuy nhiên, từ góc nhìn tích cực, ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư BOT lại cho rằng, việc thu phí cao tốc này là đúng và cần thiết để đảm bảo nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng trong suốt quá trình khai thác.
Trong đó, mô hình Nhà nước làm đường rồi bán quyền thu phí, đấu thầu quản lý theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý, đã được áp dụng hiệu quả từ lâu tại nhiều nước. Theo mô hình này, Nhà nước không phải nuôi bộ máy quản lý, thu phí và có ngay một khoản tiền để tái đầu tư các tuyến cao tốc mới.
"Với các dự án này, chi phí lớn nhất phải tính đến là chi phí bảo trì công trình. Không những bảo trì thường xuyên, chúng ta phải định kỳ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của công trình, rồi 5 năm phải trung tu, 10 năm phải đại tu để đảm bảo cho người tham gia giao thông an toàn, liên tục trong suốt hành trình. Cho nên công tác bảo trì rất tốn kém", vị chuyên gia lý giải.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng bày tỏ, việc thu phí với cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết để có kinh phí đầu tư hệ thống cao tốc khác để tiến tới hệ thống cao tốc song hành với Quốc lộ để thêm sự lựa chọn cho người dân. Về phương án thu phí, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng Nhà nước nên thực hiện thu phí.
"Tốt nhất nên có một bộ máy của Nhà nước, được quản lý theo kiểu hiện đại, chứ còn đấu thầu nhiều khi nó lại tăng lên, giảm xuống, rồi xin- cho, lợi ích nhóm trong đấy. Tóm lại, để chặt chẽ, nên có bộ máy của Nhà nước, không ăn lương ngân sách, mà ăn lương từ phí thu được, dùng cái đấy chi cho chính nó. Mô hình nó mới hơn một chút, không hưởng lương từ ngân sách, để bộ máy không phình ra", TS Nguyễn Minh Phong nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận