Thu nợ phản cảm: Công ty tài chính sẽ phải điều chỉnh
Diện mạo ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng trong thời đại hiện nay đã có sự thay đổi khá nhiều nhờ công nghệ.
Không chỉ ngân hàng, công ty bảo hiểm mà các công ty dịch vụ tài chính khác cũng liên tục đầu tư vào nền tảng công nghệ số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới.
Sự đầu tư này của các doanh nghiệp nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng, từ đó gia tăng vị thế cạnh tranh cũng như mở rộng thị phần trong nước và quốc tế.
Sự chuyển biến của ngành tài chính cũng do thói quen tiêu dùng đã thay đổi nhanh chóng; từ việc mua sắm tại các cửa hàng, người tiêu dùng đã chuyển dần sang mua hàng online; từ việc thanh toán bằng tiền mặt, họ đã chuyển sang thanh toán qua thẻ, ngân hàng điện tử (internet banking) hay ví điện tử.
Tại Hội thảo “Chuyển động của dịch vụ tài chính trong thời đại số” của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đa phần ý kiến diễn giả tại hội thảo đều khẳng định chuyển đổi số là xu hướng không thể bỏ qua của doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính. Và doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nếu muốn có những lợi thế để phát triển trong tương lai.
Theo nghiên cứu của Công ty Nielsen, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng cao hơn trong năm nay. Cụ thể, 33% người tiêu dùng cho biết họ dùng phương thức chuyển khoản khi mua sắm hàng hóa qua mạng, và có đến 36% người dùng thanh toán giao dịch bằng thẻ tín dụng hay ghi nợ. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức của các công ty dịch vụ tài chính.
Về phía cơ quan quản lý Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM - ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, hệ thống Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt của các tổ chức tín dụng.
Trung ương có Nghị quyết 52 ghi rõ việc chủ động tích cực tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0, đây là yêu cầu tất yếu khách quan và là nhiệm vụ đặc biệt vừa cấp tốc lâu dài của hệ thống chính trị và xã hội.
NHNN chi nhánh TPHCM đánh giá rất cao việc chủ động tiên phong áp dụng khoa học công nghệ vào dịch vụ ngân hàng. Vừa qua các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính cũng đã áp dụng công nghệ thuận lợi đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ liên quan đến ngân hàng điện tử, ngân hàng số.
Với các công ty đầu tư công nghệ, những vấn đề về tìm năng hay cơ hội có sẵn, quy mô về dân số, số người dùng điện thoại thông minh, người sử dụng internet,… đây là nguồn lực để công ty tài chính, ngân hàng nên tận dụng để cung ứng thanh toán qua điện thoại di động, quét mã QR, thanh toán thẻ, internet banking, mobile banking,…
Cho vay tiêu dùng tài chính tăng góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, khi chúng ta phát triển thị trường tài chính tiêu dùng an toàn hiệu quả có thể ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen.
Tín dụng đen hình thành và phát triển do nhiều nguyên nhân, hậu quả gây ra khá nặng nề, đưa ra bài toán ngăn chặn tín dụng đen là một trong những đòi hỏi của nhiều cơ quan, đơn vị.
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, trong 3 năm vừa qua, hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển khá mạnh, đến mức dư nợ đến thời điểm tháng 12/2019 là 450 nghìn tỷ riêng địa bàn TPHCM. Trong đó thống kê bình quân trong 3 năm từ 2016 đến 2018 mỗi năm tăng 36%-37%, đây là tỷ lệ tăng rất nhanh.
Việc tăng nhanh mức độ cho vay tài chính tiêu dùng có nhiều tác động tích cực ngăn chặn tín dụng đen, do vậy thời gian qua, NHNN tạo ra giải pháp tốt nhất để cho vay tín dụng.
Trong cuối năm 2016, NHNN ban hành khung pháp lý quan trọng là Thông tư 43 về việc cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Mới đây, NHNN cũng ban hành Thông tư 18 để điều chỉnh bổ sung Thông tư 43 trong tháng 11, có hiệu lực đầu năm 2020.
Trong Thông tư bổ sung, có 3 điều chỉnh để với công tác cho vay tài chính.
Thứ nhất về điều chỉnh mức độ giải ngân trực tiếp cho khách hàng, NHNN đề ra lộ trình giảm mức độ giải ngân trực tiếp cho khách hàng, từ năm 2023 đến đầu 2024 chỉ còn 30%, hiện tại tỷ lệ giải ngân trên 70%.
Yếu tố thứ 2 là văn hoá đòi nợ và thu nợ của công ty tài chính. Thời gian qua văn hoá thu nợ gây nhiều phản cảm cho xã hội, Thông tư 18 điều chỉnh hành vi này, quy định thời gian nhắc nợ, số lần nhắn nợ, đối tượng nhắc nợ.
Yếu tố thứ 3 trong Thông tư mới là điều chỉnh hành vi về công khai minh bạch trong hoạt động của công ty tài chính như việc công khai lãi suất cho vay, các loại phí, hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi, ngoài ra yêu cầu các công ty tài chính phải trả lời các khiếu nại, tố cáo khách hàng của mình.
Với những cơ sở pháp lý như vậy, thị trường tài chính tiêu dùng theo số hoá sẽ diễn biến tích cực, an toàn và minh bạch hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận