Thử lý giải lý do sụt giảm dòng vốn FDI ở Việt Nam
Trải qua tác động của suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, quá trình tái cấu trúc thương mại và đầu tư trên thế giới diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt trong thời kỳ hậu đại dịch. Theo đó, sự thu hẹp quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu là điều tất yếu, không ngoại trừ Việt Nam. Dù thu hút vốn FDI có sự chững lại trong mấy tháng đầu năm 2023, Việt Nam vẫn được kỳ vọng là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, hoàn toàn có thể hồi phục và bứt phá trong thời gian tới.
Với những lợi thế điển hình như vị trí địa chiến lược kết nối hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á; tham gia ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), sự hiện diện sâu rộng vào kinh tế thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA)… Việt Nam trong những năm qua luôn là một tâm điểm về thu hút FDI và đón sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình thu hút đầu tư của Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn.
Tính đến 20-4-2023, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lũy kế từ đầu năm ước đạt 8,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Về danh mục nhà đầu tư, các đối tác hàng đầu đều đến từ Đông Á như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sự đóng góp của dòng vốn FDI đến từ châu Âu và Bắc Mỹ vẫn còn rất khiêm tốn. Nhưng dù dòng vốn FDI không còn tăng trưởng mạnh như các năm trước, vẫn còn một điểm sáng nằm ở sự gia tăng không ngừng số lượng dự án đầu tư so với cùng kỳ cũng như qua từng tháng. Điều này thực chất có được từ quá trình phục hồi và mở rộng của các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam trước đây, hơn là từ việc tăng cường thu hút vốn từ các dự án mới có tính trọng điểm như dự án LEGO với tổng mức đầu tư 1,32 tỉ đô la năm 2022.
FDI sụt giảm do tổng hợp của nhiều yếu tố
Sự sụt giảm của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm nay có thể được lý giải bởi những nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp và ẩn chứa nhiều rủi ro. Cụ thể, hệ lụy suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị gia tăng, áp lực lạm phát, điều kiện tài chính thắt chặt… đã làm giảm sút niềm tin kinh doanh và đầu tư, gây gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tác động mạnh tới đà phục hồi FDI toàn cầu.
Thứ hai, khi căng thẳng địa chính trị leo thang, nhiều nước lớn đưa ra chiến lược dịch chuyển sản xuất và nguồn vốn trở về bản địa hoặc sang các đối tác thân cận nhằm bảo toàn chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, Mỹ đưa ra chính sách giảm thuế thu nhập từ 25% về còn 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt nhằm tăng tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp (năng lượng, ô tô, thép…); trong khi đó EU thiết lập nền kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát dòng đầu tư ra nước ngoài.
Rõ ràng, xu hướng liên kết địa chính trị ngày càng thúc đẩy dấu ấn địa lý của FDI, thể hiện qua tỷ trọng FDI giữa các nền kinh tế có liên kết địa chính trị đã không ngừng tăng lên, vượt trội so với tỷ trọng FDI giữa các nước gần gũi thuần túy về mặt địa lý. Trước viễn cảnh FDI toàn cầu ngày càng “phân mảnh” sâu sắc theo các khối liên minh, không ngạc nhiên khi dòng vốn ngoại vào châu Á hay Trung Quốc chứng kiến đà giảm mạnh mẽ.
Thứ ba, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia khu vực Đông Nam Á ngày càng gay gắt. Cụ thể, Indonesia ban hành nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm chào đón nhà đầu tư nước ngoài như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% kể từ năm 2022, đồng thời dành riêng khoảng 4.000 héc ta đất nhằm tạo lập một tổ hợp các khu công nghiệp mới; Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao với ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm và hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân lực.
Thứ tư, các đợt tăng mạnh lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát cũng có tác động trực tiếp và gián tiếp đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Khi Fed tăng lãi suất, hiệu ứng đảo chiều dòng vốn bắt đầu xuất hiện tại các thị trường mới nổi. Riêng tại Việt Nam, dòng vốn này được rút ra chủ yếu từ thị trường chứng khoán, trong khi vốn FDI tuy có giảm, song mức giảm không lớn một phần bởi lượng FDI đăng ký những tháng đầu năm 2023 có phần khiêm tốn.
Thứ năm, các nguyên nhân cố hữu trong việc quản lý đầu tư ở Việt Nam trong nhiều năm qua cũng ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn FDI trong năm. Thời hạn visa doanh nghiệp ngắn, quá trình cấp phép chậm, thủ tục rườm rà (đặc biệt là các dự án mở rộng đầu tư liên quan đến đất đai), ưu đãi thuế, việc áp dụng quy định về kiểm tra – giám sát hải quan, thuế và đăng ký thành lập doanh nghiệp chế xuất có sự khác nhau giữa các địa phương, giá thuê đất khu công nghiệp tăng nhanh… hay những lo ngại về biến động kinh tế vĩ mô cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, cần có sự cân nhắc thận trọng trước khi ra quyết định.
Những điều chỉnh là cần thiết
Mặc dù vốn FDI vào Việt Nam đang suy giảm khá rõ so với cùng kỳ các năm trước, song Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng và lợi thế trong cuộc đua hút dòng vốn FDI do những yếu tố nền tảng. Tuy nhiên, chúng ta cần có những giải pháp để can thiệp sớm nhằm duy trì nguồn vốn FDI phục vụ mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn:
Trước tiên, Việt Nam cần thực hiện đối chiếu sâu rộng và đa chiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài từ các nước lân cận để tạo nguồn cho các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh thu hút FDI. Từ đó, tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, ban hành các chính sách phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn nhằm sàng lọc hiệu quả nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và năng lực sản xuất tốt.
Thứ hai, Chính phủ và cơ quan chuyên trách cần sớm đưa ra giải pháp hành động để giải quyết thấu đáo các rào cản cố hữu mà nhà đầu tư phải cân nhắc mỗi khi rót vốn, cụ thể về: thời hạn visa doanh nghiệp ngắn, thủ tục cấp phép đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, quy định kiểm tra – giám sát hải quan, các loại chi phí “không chính thức”, giá thuê đất khu công nghiệp…
Ngoài ra, định hướng chiến lược giúp doanh nghiệp nội địa được nâng tầm, “bắt tay” bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài, hay những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc nắm bắt yêu cầu của nhà đầu tư và chính quyền địa phương để từ đó đưa ra các hướng dẫn, tư vấn kết nối phù hợp giữa hai bên là hết sức cần thiết.
Thứ ba, trong bối cảnh áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% theo trụ cột 2 của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của OECD, sự hấp dẫn về chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam có thể sẽ suy giảm. Về mặt dài hạn, đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tái cấu trúc chiến lược thu hút FDI, từ mô hình kinh tế truyền thống chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, tạo cơ sở hướng tới những dự án tỉ đô trong tương lai. Trước mắt, để duy trì lợi thế ưu đãi, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI.
(*) HVNH(**) CFA
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận