24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Thị Lâm Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thu hút vốn FDI vào năng lượng xanh

Việc dòng vốn FDI đổ vào các dự án năng lượng tại Việt Nam ngày càng nhiều là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không nên “mở toang” cánh cửa, mà cần chọn lọc những dự án chất lượng, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, đáp ứng đủ cá

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, cả nước thu hút được 5,1 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, chiếm 18% tổng vốn đầu tư cả năm trên các lĩnh vực và cao gấp 38 lần so với vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện giai đoạn 5 năm trước đó. 4 tháng đầu năm nay 2021, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 5,1 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, có một số dự án mới như Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) - Công ty Jinko Solar Hồng Kông - quy mô gần 500 triệu USD. Ðây là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới, nắm giữ hơn 12% thị trường toàn cầu vào cuối quý I/2021. Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn 1,31 tỷ USD…

Trước đó, lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch tại Việt Nam cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ khắp các châu lục, đặc biệt chủ yếu đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á, như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với vốn đăng ký 4 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore; dự án phát triển điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) với vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD (Đan Mạch)…

Tính toán của Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh điện vào năm 2021; 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt này, ước tính từ nay đến 2030 sẽ cần trên 12 tỷ USD mỗi năm để đầu tư nguồn điện mới. Như vậy, ngành điện là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Bởi vậy, việc dòng vốn FDI đổ vào các dự án năng lượng tại Việt Nam ngày càng nhiều là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không nên “mở toang” cánh cửa, mà cần chọn lọc những dự án chất lượng, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, đáp ứng đủ các tiêu chí chặt chẽ, đồng thời tạo sân chơi bình đẳng đối với các doanh nghiệp trong nước.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh, các dự án năng lượng cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng đối với các nhà đầu tư, cần đáp ứng được yêu cầu về các yếu tố bảo vệ môi trường, không có sự nhân nhượng hay thỏa hiệp. Việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng cần tập trung vào lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch. Bởi lẽ, đầu tư trong lĩnh vực này cần nguồn vốn lớn, kinh nghiệm và công nghệ cao, trong khi đó ở trong nước chưa có quá nhiều doanh nghiệp có thể đáp ứng. Việc thu hút FDI không chỉ góp phần phát triển các nguồn năng lượng “sạch” mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam học hỏi được kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp nước ngoài…

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nên tận dụng tối đa các nguồn lực để phát huy được lợi thế về tài nguyên năng lượng xanh đặc biệt là năng lượng tái tạo. Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, mỗi năm đón hai luồng gió Đông Bắc và Tây Nam thổi rất mạnh. Dọc miền Trung và miền Nam nắng nhiều, bức xạ nhiệt tốt, việc tập trung vào điện mặt trời và điện gió là điều thuận lợi.

Về phía các cơ quan quản lý cũng đã nhận ra được tầm quan trọng của việc thu hút vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn FDI vào ngành điện. Cụ thể, tại Dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cũng đã đề ra một số giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, vốn vay ưu đãi; khuyến khích nhà máy BOT tham gia thị trường điện, phát hành trái phiếu…

Riêng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điểm mới tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII là chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố không gian theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể. Đồng thời việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ không có việc chỉ định mà phải thông qua đấu thầu. Theo các chuyên gia, việc chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu là một phương án hợp lý, cần thực hiện tạo môi trường công khai, minh bạch và bình đẳng.

Trước ý kiến có nên ưu đãi đối với nguồn vốn FDI vào năng lượng tái tạo, theo chuyên gia, cần ưu tiên cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, giảm tải các khâu hành chính không cần thiết và đẩy nhanh tiến độ duyệt dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cần liên kết với nhau để tạo ra quy mô lớn hơn, phát triển công nghệ để có thể cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Nền kinh tế hiện tại là nền kinh tế mở, chúng ta không chỉ tiếp cận dòng vốn trong điện gió, điện mặt trời mà còn nhiều lĩnh vực khác trong năng lượng xanh”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả