Thu hồi đất vàng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Cái “gai” khó nhổ
Việc thu hồi lô đất 80-Lý Thường Kiệt và 22-Phan Bội Châu (TP.Hà Nội) bị góp vốn sai quy định cách đây 8 năm vẫn đang là một cái “gai” khó nhổ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Món nợ kéo dài
Có rất ít tiến triển trong việc thu hồi lô đất rộng hơn 1.000 m2 tại số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu - khu vực đắc địa bậc nhất tại trung tâm TP. Hà Nội nếu chiểu theo Công văn số 3579/BGTVT-TTr vừa được Bộ Giao thông - Vận tải gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về kết quả xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên.
Cần phải nói thêm rằng, việc thu hồi lô đất vàng mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đem ra góp vốn với Công ty TNHH Hà Thành để xây dựng khách sạn 4 sao trên lô đất số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu là một trong những sai phạm nổi cộm nhất được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong Kết luận số 2222/KL-TTCP ngày 26/8/2016 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên. Đây cũng là nội dung được lãnh đạo Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để sớm thu hồi quyền sử dụng lô đất về cho Nhà nước.
Được biết, vào đầu tháng 4/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2339/VPCP-V.I gửi Thanh tra Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu 2 cơ quan này báo cáo tiến độ xử lý vụ việc.
Theo Công văn số 2339/VPCP-V.I, liên quan đến việc xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo tại Công văn số 4766/VPCP-V.I ngày 15/6/2020 của Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, Thanh tra Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải chưa báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện chỉ đạo nêu trên trước ngày 15/4/2021.
Trước đó, tại Công văn số 4766/VPCP-V.I, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 31/10/2018 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc góp vốn của Tổng công ty tại khu đất số 80 - Lý Thường Kiệt và số 22 - Phan Bội Châu, đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.
“Nếu các bên liên quan không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Được biết, vào tháng 5/2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH Hà Thành đã đồng ý ký Biên bản hợp tác đầu tư, sở hữu, quản lý và kinh doanh khách sạn tại khu đất số 80 - Lý Thường Kiệt và số 22 - Phan Bội Châu, với diện tích khoảng 1.000 m2. Theo đó, hai bên đồng ý hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới (Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn) để đầu tư xây dựng và khai thác một khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại khu đất trên theo tỷ lệ góp vốn 50/50.
Trong khi Công ty TNHH Hà Thành góp vốn bằng tiền mặt, thì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam góp bằng tài sản và quyền thuê đất tại 2 lô đất (được định giá 30 tỷ đồng, bằng 50% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn). Hiện Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn đã được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất để thực hiện dự án khách sạn 4 sao theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH Hà Thành.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.
Tuy nhiên, tại Kết luận số 2222/KL-TTCP ngày 26/8/2016, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất tại khu đất trên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn một số tồn tại, như không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải; trong quá trình đàm phán góp vốn, việc Hội đồng Thành viên Tổng công ty đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng là thiếu cơ sở.
“Thực chất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu”, Kết luận số 2222/KL-TTCP nêu rõ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng công ty thu hồi lô đất về cho Nhà nước.
Không để vụ việc chìm xuồng
Có thể chia sẻ với Bộ Giao thông - Vận tải và Thanh tra Chính phủ trong việc triển khai chỉ đạo được đánh giá là rất quyết liệt của Phó thủ tướng thường trực vì công tác thu hồi lô đất do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện có rất ít tiến triển trong gần 1 năm trở lại đây.
Tại Công văn số 3579/BGTVT-TTr, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 31/10/2018) và Văn phòng Chính phủ (Công văn số 4766/VPCP-V.I ngày 15/6/2020), Bộ Giao thông - Vận đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP ngày 26/8/2016 của Thanh tra Chính phủ, đặc biệt liên quan đến nội dung yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thu hồi khu đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Theo đó, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, Bộ Giao thông - Vận tải đã phát 3 văn bản thúc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là việc thu hồi lô đất số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu.
Trên thực tế, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã có những động thái cần thiết như nhiều lần chủ động đề nghị Công ty TNHH Hà Thành cử đại diện hợp pháp làm việc với đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thỏa thuận hủy bỏ Biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết ngày 20/5/2013 giữa Tổng công ty và Công ty TNHH Hà Thành.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty TNHH Hà Thành không đồng ý đàm phán việc bãi bỏ thỏa thuận hợp tác đầu tư quản lý, sở hữu, kinh doanh khách sạn tại khu đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Đối tác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại Dự án khách sạn 4 sao cho rằng, Công ty TNHH Hà Thành là Công ty tư nhân thực hiện theo luật, Công ty Hà Thành chỉ thực hiện theo đúng nội dung biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH Hà Thành đã ký kết.
“Các việc khác, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo pháp luật thực hiện”, văn bản báo cáo tình hình xử lý vụ việc do ông Hoàng Văn Khánh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký gửi Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.
Trước sự cứng rắn của Công ty TNHH Hà Thành, ngày 26/11/2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã buộc phải gửi Đơn khởi kiện Công ty TNHH Hà Thành ra Tòa án Nhân dân quận Hà Đông (TP. Hà Nội) đề nghị Tòa án xét xử và quyết định.
Trong đơn khởi kiện do ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đứng đơn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Tòa án hủy Biên bản thỏa thuận hợp tác ngày 20/5/2013 giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với Công ty TNHH Hà Thành và buộc Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn bàn giao toàn bộ tài sản là cơ sở nhà đất số 80 - Lý Thường Kiệt và số 22 - Phan Bội Châu (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) về cho Nhà nước.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chấm dứt hợp đồng thuê đất ký với Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn về việc cho thuê đất tại số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu, đồng thời kiến nghị UBND TP. Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vào đầu tháng 4/2021, Tòa án Nhân dân quận Hà Đông đã có Thông báo số 855/TB-TA yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang khẩn trương củng cố hồ sơ, chứng cứ cung cấp theo đề nghị của Tòa án Nhân dân quận Hà Đông.
“Mặc dù tiến độ có thể chưa đáp ứng chỉ đạo của Phó thủ tướng, nhưng chúng tôi cam kết không để vụ việc chìm xuồng, nhằm thu hồi quyền sử dụng lô đất về cho Nhà nước”, một lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cam kết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận