menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Thời trang Việt “đuối sức” cạnh tranh

Không chỉ sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận mà theo báo cáo mới đây của CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho thấy, doanh nghiệp thời trang nội địa đang mất lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu ngoại nhập ngay trên “sân nhà”.

Kinh doanh ảm đạm thời Covid-19

Theo báo cáo tài chính quý I/2021, Garmex Sài Gòn (Hose: GMC) ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% và lãi ròng giảm “sâu” đến 92%, xuống còn 306 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Đại diện GMC cho biết, do tình hình dịch Covid-19 nên số lượng đơn đặt hàng của khách hàng giảm mạnh. Bên cạnh đó, Công ty phải nhận thêm mặt hàng gia công nội địa nên doanh số xuất khẩu giảm.

Tương tự, Công ty May mặc Bình Dương (Hose: BDG) cũng không ngoại lệ do tình hình dịch Covid 19 tại châu Âu vẫn còn căng thẳng, đối tác giảm lượng đặt hàng 43% so với cùng kỳ làm cho doanh thu xuất khẩu sụt giảm. Kết quả, công ty ghi nhận doanh thu giảm 4% xuống còn 307 tỷ đồng, lãi ròng giảm 14% còn 21 tỷ đồng.

Tiếp đến, Garmex Saigon, Dệt may Hòa Thọ, Fortex cũng có doanh thu giảm lần lượt 18%, 27% và 29% so với cùng kỳ. Trong đó, Fortex tiếp tục ghi nhận mức doanh thu sụt giảm mạnh, trước đây mỗi quý doanh nghiệp này có doanh thu 3 con số, cả năm đạt 4 con số thì trong 5 quý gần đây chỉ có vài tỷ đến vài chục tỷ đồng doanh thu. Thậm chí, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng không khá hơn khi doanh thu chỉ đạt 3.377 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi ròng hơn 99 tỷ đồng, giảm 12%.

Theo Tổng Công ty May Nhà Bè (MNB), từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và toàn thế giới đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường xuất khẩu chủ lực của Tổng công ty và các công ty con, công ty liên kết. Cụ thể, quý 1/2021 ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 658,6 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp đạt hơn 101 tỷ đồng giảm 42% so với quý 1/2020. Vì vậy, doanh thu quý 1 giảm mạnh dẫn đến quý 1 thua lỗ nặng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của dịch bệnh khá rõ nét đến các doanh nghiệp ngành thời trang, may mặc xuất khẩu, do đây không phải là ngành kinh tế thiết yếu đối với đời sống xã hội, nên khi kinh tế khó khăn, nhiều người sẽ cắt giảm chi tiêu, nhất là đối với các thương hiệu đắt tiền. Vì vậy, đơn hàng mới ký với đối tác nước ngoài trong quý 1/2021 của nhiều doanh nghiệp thời trang có sự sụt giảm từ 5-10% về số lượng và giá thành. Trong khi các chi phí đầu vào, chi phí phải trả người lao động không giảm dẫn đến chi phí cho sản phẩm tăng, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm.

Chưa tìm được vị thế trên “sân nhà”

Không chỉ sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận mà theo báo cáo mới đây của CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho thấy, doanh nghiệp thời trang nội địa đang mất lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu ngoại nhập ngay trên “sân nhà”.

Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu thời trang quốc tế gia nhập và chiếm ưu thế trên thị trường tại Việt Nam như H&M, Zara, Uniqlo… có đại lý, cửa hàng chính thức tại Việt Nam, nhiều chuyên gia thời trang nhận định rằng, thời trang Việt đang chịu sức cạnh tranh lớn, nếu không muốn nói là “lép vế”, thua kém ngay chính tại thị trường nội địa. Sự đổ bộ của các tên tuổi này đã đẩy ngành thời trang nội vốn đã chỉ có thị phần khiêm tốn, giờ càng bị thu hẹp hơn.

Nguyên nhân chính được các chuyên gia chỉ ra rằng là do mẫu mã thiết kế của thời trang Việt còn nghèo nàn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Mặc dù trong vài năm trở lại đây, ngành thời trang trong nước đã có sự cải thiện rõ rệt về mẫu mã, chất lượng, tuy nhiên, xét về tổng thể mặt bằng chung, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thời trang Việt chủ yếu vẫn nặng về gia công, thiếu tính sáng tạo, đột phá.

Theo đó, những doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất thị trường thời trang Việt hiện nay đều là nằm trong tay nước ngoài, dẫn đầu là Adidas với 1,5%, tiếp đến là Inditex, H&M và nhiều tên tuổi khác. Theo sau đó mới đến những doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu Việt như Biti’s, Canifa, Việt Tiến, May 10, An Phước… Tuy nhiên, điều đáng nói một số thương hiệu nội địa được xem là có chỗ đứng trên thị trường kể trên cũng chỉ tập trung chủ yếu ở phân khúc sản phẩm công sở. Phần lớn mẫu mã, chủng loại không phong phú, đa dạng, nhất là khó tiếp cận với khách hàng trẻ tuổi.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực thời trang nhận định, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đang nhận gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới nên chất lượng cũng được nâng lên. Nhưng do trong suốt thời gian dài, sản phẩm của Việt Nam các sản phẩm vẫn xuất khẩu dưới tên các thương hiệu nước ngoài khiến thời trang Việt Nam dường như còn khá xa lạ trên bản đồ thời trang trong khu vực và thế giới.

Không chỉ vậy, xu hướng kinh doanh tự phát đi kèm với sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều công ty thời trang Việt dẫn đến tình trạng khó có thể phát triển bền vững do không có chiến lược quản lý, quảng bá thương hiệu dài hạn. Ngoài ra, tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề nhức nhối trong ngành thời trang Việt. Phần lớn các chợ, cửa hàng thời trang, thậm chí cả trên những kênh mua sắm thời trang trực tuyến tại Việt Nam “ngang nhiên” bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và giá rẻ hơn rất nhiều so với mặt hàng thời trang chính hiệu… Đây cũng chính là rào cản khiến cho ngành may mặc, thời trang Việt đuối sức cạnh tranh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả