Thoái vốn, cổ phần hóa “ép tiến độ” nửa cuối năm
46 triệu cổ phần FPT với giá khởi điểm 49.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 2.300 tỷ đồng được Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán đã không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.
Kết quả trên không nằm ngoài dự đoán của những người am hiểu thị trường vốn bởi hai lẽ. Thứ nhất, giá trị khoản đầu tư quá lớn nhưng nhà đầu tư hầu như không có quyền quản trị nếu bỏ vốn vào FPT. Thứ hai, giá khởi điểm không hấp dẫn nếu chỉ đầu tư tài chính đơn thuần.
Thị giá cổ phiếu FPT trên HOSE hiện chỉ quanh 47.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với giá khởi điểm SCIC chào bán.
Ðây chỉ là một trong những phiên thoái vốn được dự đoán không dễ thực hiện trong năm 2020, dù FPT là một trong những cổ phiếu sáng giá trên sàn giao dịch chứng khoán.
Cơ cấu cổ đông, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước cũng như tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài bị “trói chặt”, bên cạnh đó là cách định giá cứng nhắc khiến cách bán cả lô “dễ cho mình” của SCIC không tạo ra độ hấp dẫn của cuộc chơi.
Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước chưa thực hiện được đợt cổ phần hóa hay thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nào đáng kể. Kết quả này khiến các thành viên tham dự Cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp không khỏi sốt ruột.
Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1232/QÐ-TTg, đến nay, mới thoái vốn được tại 92 doanh nghiệp, đạt 26,4% kế hoạch.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo, thậm chí còn cho rằng: “Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán”.
Theo Quyết định 908/QÐ-TTg mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có tới 120 doanh nghiệp thuộc diện thực hiện thoái vốn năm 2020. Ðể thực hiện được mục tiêu này, một chuyên gia trong lĩnh vực nhận xét: “Các cơ quan chủ sở hữu vốn có vắt chân lên cổ cũng không kịp”.
Chuyên gia này nói thêm rằng, ở đơn vị nơi ông công tác, hồ sơ thoái vốn nào biết rõ mười mươi là “đem đến lại đem về”, các cấp sẽ phê duyệt rất nhanh (!). Còn doanh nghiệp nào có khả năng bán được sẽ phải “nâng lên đặt xuống”, săm soi rất kỹ để “các vấn đề đều phải đúng quy định”, phòng xa cho việc thanh kiểm tra sau này.
Trong danh sách các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nửa cuối năm có Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Ðồng Nai (Công ty mẹ) - hiện Nhà nước nắm 63,54% sẽ thoái xuống còn 36%. Tại Hà Nội, có Công ty cổ phần Kinh doanh và đầu tư Việt Hà bán 51%; Giầy Thượng Ðịnh bán 68,67%; Ðiện tử Giảng Võ bán 65,19%; Thống Nhất Hà Nội bán 45%; Giống gia súc Hà Nội bán 60,35%, Công ty cổ phần Ðồng Xuân bán 71%...
Các doanh nghiệp trên đều nắm trong tay những khu đất tại vị trí đắc địa của Hà Nội nên được nhận định công tác định giá, sắp xếp, xử lý đất đai, khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai, quá trình thoái vốn do đó sẽ chậm trễ.
Với điều kiện thị trường hiện nay, nhiều khả năng, SCIC sẽ đặt trọng tâm triển khai ở một vài DN lớn.
Tại SCIC, những doanh nghiệp có khả năng trong danh sách 85 doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn năm 2020 đều được khẩn trương triển khai để đem ra bán.
Tuy vậy, với thị trường như hiện nay cũng như mục tiêu doanh thu thoái vốn đã đặt ra, Tổng công ty này nhiều khả năng sẽ đặt trọng tâm triển khai hiệu quả ở một vài doanh nghiệp lớn, có tiềm năng thay vì thực hiện dàn trải ở tất cả các doanh nghiệp.
Trong khi đó, thị trường lại cho thấy sự quan tâm lớn tới các đợt thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn.
Cổ phiếu SAB của Sabeco chẳng hạn, mới manh nha các thông tin chuyển giao vốn nhà nước về SCIC để thực hiện thoái vốn đã trở thành “mồi câu” cho các đợt sóng lớn. Nhiều nhà đầu tư liên tục dò hỏi SCIC sẽ thoái SAB với giá bao nhiêu.
Tổng công ty Viglacera cũng trở thành cái tên được chú ý trên sàn HOSE khi Gelex công khai thể hiện sẽ thâu tóm thành công Tổng công ty để hoàn thiện chuỗi giá trị của mình.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, VGC đã trở thành hiện tượng khi các lệnh mua giá trần được tung ra ồ ạt, quét sạch lệnh bán một cách dứt khoát, không đắn đo. Khối lượng khớp lệnh trong phiên vọt lên gần 8 triệu cổ phiếu, gấp 8 lần so với mức thanh khoản trung bình của cổ phiếu này.
Theo thông tin được lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ, sau khi có báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán rà soát, công tác thoái vốn VGC sẽ được triển khai cấp tập để hoàn thành việc bán vốn trong nửa cuối năm.
Nhiều khả năng, Gelex sẽ thu mua để đạt tỷ lệ chi phối tại Viglacera ngay trước thềm phiên thoái vốn, để giành ưu thế về giá tuyệt đối trong cuộc đua tranh chi phối doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận