Thịt lợn tăng giá: Thị trường Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam?
Sau một thời gian dài không vượt mốc 60.000 đồng/kg, giá thịt lợn đang dần tăng lên trước áp lực của chi phí sản xuất do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng đột biến
Giá thịt lợn giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc tuần này đã chứng kiến có lúc lên tới 22.755 Nhân dân tệ, khoảng 3.400 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay và tăng đến 40% so với thời điểm tháng 3 vừa qua.
Trong khi đó, giá lợn hơi ở tỉnh Liêu Ninh, phía Đông Bắc Trung Quốc, nơi sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn của nước này đã lên tới 22 Nhân dân tệ, khoảng 80.000 đồng/kg. Mỗi kg thịt đều tăng so với tuần trước khoảng 10%.
Tình dịch dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc dần được kiểm soát đã khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh trở lại. Theo số liệu mới nhất do Cục Thống kê Quốc gia công bố, giá lợn hơi đã tăng 11,6% so với thời điểm cuối tháng 6.
Thịt lợn là mặt hàng quan trọng trong giỏ hàng hóa CPI của Trung Quốc. Giá thịt đắt hơn rõ ràng là một lực cản đối với ngân sách của các hộ gia đình bởi người tiêu dùng Trung Quốc vốn đã phải thắt tiết kiệm hơn sau các đợt phong toả Covid-19. Giá thịt lợn tăng đột biến cũng đang đe dọa đến tham vọng của chính phủ nước này, đó là kiềm chế lạm phát. Chính vì vậy, những biện pháp mạnh tay nhằm bình ổn giá thị trường đang được Chính phủ nước này triển khai.
Theo Bloomberg, nhằm kiềm chế giá thịt lợn đang có khả năng tăng cao trở lại, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch quản lý số lượng tổng đàn lợn cả nước trực tiếp đến tận từng hộ chăn nuôi, khuyến khích các ngân hàng cho người chăn nuôi vay tái và khởi đàn, đồng thời bán thịt lợn từ nguồn dự trữ nhà nước. Các nhà chế biến thịt quốc gia khoảng 1,4 tỷ dân này cũng đang tính đến việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài.
Tuy nhiên theo giới phân tích, những chiến thuật này đang tiềm ẩn nguy cơ sẽ phải đối mặt với những "sóng gió" khó lường.
Cụ thể là trong thời gian giá thịt lợn cao hoặc trong một thị trường có xu hướng tăng giá, nhiều người sẽ tích trữ nguồn cung. Một khi giá thịt lợn tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nó có thể sẽ gây ra hiệu ứng suy giảm niềm tin khi kỳ vọng thay đổi.
Bloomberg giải thích, cung và cầu đóng một vai trò lớn trong bối cảnh giá cả hiện tại, do nguồn cung lợn con của Trung Quốc đã sụt giảm khá mạnh vào năm ngoái, dẫn đến việc nhiều trang trại giết mổ nhiều đầu lợn nái hơn. Do đó, sự thiếu hụt nguồn thịt lợn tươi trong thời gian gần đây đã trở nên rõ ràng hơn, khi Trung Quốc dần dỡ bỏ và nới lỏng các lệnh hạn chế về chính sách Zero Covid.
Chính phủ Trung Quốc không còn xa lạ với những lần can thiệp thị trường nhằm kiểm soát đà tăng giá thịt lớn trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt sau khi giá mặt hàng này tăng cao kỷ lục vào năm 2019 do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều đàn lợn bị tiêu hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung. Khi đó, Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện pháp như khôi phục sản xuất đàn lợn cũng như mở kho thịt lợn dự trữ quốc gia.
Trung bình mỗi người dân Trung Quốc tiêu thụ 25kg thịt lợn mỗi năm. Đây là loại thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm nằm trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Vì vậy, nếu giá thịt lợn không được kiểm soát, Trung Quốc sẽ đối mặt với rủi ro lạm phát tăng cao.
Thịt lợn trong nước cũng bất ngờ tăng giá
Trong những tháng gần đây, giá heo trên cả nước trồi sụt nhưng không vượt qua mốc 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối tuần trước, giá heo hơi đã dần nhích lên.
Tại khu vực miền Bắc, thị trường heo hơi điều chỉnh tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc ghi nhận tại ngày 11/7 dao động trong khoảng 63.000 - 68.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 5.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây nguyên dao động trong khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá heo hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 54.000 - 63.000 đồng/kg.
Giá heo Trung Quốc cũng tăng lên khá cao so với heo Việt Nam, chênh lệch gần 20.000 đồng/kg. Đây có lẽ đang có một lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc khiến thị trường Việt Nam tăng giá
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 6 lần tăng, tương đương tăng khoảng 20%, cộng các chi phí đầu vào khác (con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc khử khuẩn, sát trùng...) nên giá bán lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi, tạo động lực đầu tư, tái đàn.
Lý do dẫn đến tăng giá thức ăn, phần lớn là do nguyên liệu sản xuất và chi phí vận chuyển tăng khi giá xăng, dầu tăng và quan trọng hơn cả là phần lớn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt cuộc xung đột căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến tình hình nguồn nguyên liệu càng khan hiếm.
Hiện, thức ăn chiếm 70 - 80% trong tổng cơ cấu giá thành chăn nuôi. Trước giá cám tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã tìm cách tự phối trộn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm chi phí sản xuất, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt và phù hợp với hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ (từ vài chục con lợn trở xuống).
Do đó, nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá lợn vẫn ở mức thấp thì nguy cơ rất nhiều hộ chăn nuôi lớn phải giảm đàn để giảm bớt chi phí, hộ nuôi quy mô nhỏ có thể phải "treo chuồng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận