menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Long

Thiếu xăng dầu cục bộ: Trách nhiệm Bộ Công Thương ở đâu?

Tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ những ngày qua đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý hệ thống xăng dầu. Điều này đòi hỏi Bộ Công Thương cần linh hoạt, chủ động hơn các phương án đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu.

Giá xăng tăng sốc vì kỳ điều hành… nghỉ Tết

Ngày 11/2, giá xăng RON 95 đã vượt 25.000 đồng, vọt lên mức cao nhất 8 năm. Nguyên nhân là do mặc dù theo quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần, nhưng do kỳ điều chỉnh ngày 1/2 trùng với ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nên cơ quan quản lý (Bộ Công Thương) đã để đến ngày 11/2 mới điều chỉnh giá, dẫn đến thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh quá dài.

Thiếu xăng dầu cục bộ: Trách nhiệm Bộ Công Thương ở đâu?
Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Sóc Trăng đóng cửa, treo biển hết hàng. Ảnh: Moit.gov.vn

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cách thức điều hành hệ thống xăng dầu gần đây đã bộc lộ ra nhiều vấn đề, thiếu linh hoạt. Trong khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng, đẩy giá xăng dầu nhập khẩu tăng lên cao. Khi đó, DN nhập khẩu xăng dầu sẽ rơi vào thua lỗ nếu bán với giá quá thấp. Điều này khiến DN phải bán cầm chừng, thậm chí treo biển hết hàng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, nếu kỳ điều hành ngày 1/2 vẫn diễn ra bình thường hoặc Bộ Công Thương linh hoạt khi thị trường bất thường, thì biên độ tăng giá xăng sẽ không sốc như vậy và cũng không có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá. Nếu cơ quan quản lý điều hành linh hoạt hơn, điều chỉnh xăng dầu vào một vài ngày sau 1/2 thì sẽ không có hiện tượng này.

Còn theo PGS. TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, việc liên Bộ Công Thương – Tài chính không điều hành giá ngày 1/2 là đúng theo quy định tại Nghị định 95, nhưng lại có phần máy móc khi tình hình thị trường biến động giá rất mạnh, sụt giảm nguồn cung. "Để qua kỳ nghỉ Tết dài mới điều hành, tác động tới giá và cung, cầu thị trường. DN lỗ nên đầu mối, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý bán ra nhỏ giọt, chờ hàng lên cao mới bán để bớt lỗ. Điều hành nhịp nhàng, chủ động hơn thì hạn chế được tình trạng găm hàng" – TS Ngô Trí Long chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cho rằng để tình trạng thiếu xăng dầu ở các cửa hàng, phải đóng cửa bán hàng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Công Thương. “Bộ Công Thương không chỉ điều hành giá và liên quan đến giá, mà trọng trách lớn nhất là đảm bảo cung ứng xăng dầu. Khi thị trường thiếu nguồn cung, cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp ngay để chấm dứt tình trạng này” – TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Không để thiếu hụt xăng dầu tái diễn

Theo các chuyên gia kinh tế, Bộ Công Thương cần xem xét trách nhiệm và vai trò lớn của 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn trong đảm bảo an ninh năng lượng. PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, Chính phủ và Bộ Công Thương đã tạo điều kiện thuận lợi, đưa ra nhiều ưu đãi cho 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn.

Đáng nói, dù 2 nhà máy lọc hóa dầu này là đơn vị sản xuất nhưng cũng có quyền kinh doanh, do đó, các nhà máy lọc hóa dầu cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong đảm bảo cung ứng xăng dầu.

Thiếu xăng dầu cục bộ: Trách nhiệm Bộ Công Thương ở đâu?
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: PVN

“Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về kinh doanh xăng dầu đã quy định các nhà máy lọc hóa dầu dự trữ dầu thô và xăng dầu thành phẩm. Vì vậy, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải nâng cấp đầu tư về kho xăng dầu nhằm bảo đảm dự trữ trữ lượng xăng dầu lớn” - PGS.TS Phạm Tất Thắng lưu ý.

Về lâu dài phải đàm phán lại những vấn đề liên quan dự án lọc dầu Nghi Sơn. Nền kinh tế thị trường thì nguồn vốn do DN tự lo và chịu trách nhiệm. Dự án lọc dầu Nghi Sơn được hỗ trợ từ phân phối, bao tiêu sản phẩm, bù lỗ khi giá giảm nhưng khi gặp trục trặc họ từ chối không nhập 2 tàu dầu về để sản xuất là khó chấp nhận được. Hàng hóa đảm bảo sản xuất và đời sống người dân nên DN phải đề cao trách nhiệm người dân, cộng đồng cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Đưa ra giải pháp tránh tình trạng thiếu hụt xăng dầu tái diễn, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, nên bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu đang được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, vì thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng DN đầu mối (nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu). Bởi, nếu loại bỏ được loại hình thương nhân phân phối xăng dầu này sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho DN, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước.

Sở dĩ đề xuất như vậy vì trên thực tế, khi khan hiếm nguồn cung, các đầu mối sẽ chỉ đảm bảo cho hệ thống của mình trước. Điều này, khiến thương nhân phân phối xăng dầu sẽ gặp khó khăn cho hệ thống của mình. Từ đó, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả