menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Diệp

Thiệt hại kinh tế thúc bách Mỹ - Trung hạ nhiệt thương chiến

Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị G20, cả Bắc Kinh lẫn Washington phát đi thông điệp khẳng định họ không nhất thiết phải vội vã để đạt được thỏa thuận thương mại.

Song các đòn thuế đã thực sự gây tổn thương cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và điều này đang thúc bách hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tìm giải pháp hạ nhiệt thương chiến.

Trước khi ông Trump và ông Tập ngồi lại với nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 29-6, các thông tin mới nhất cho thấy họ sẽ tìm cách hạ nhiệt các căng thẳng ít nhất là bằng một thỏa thuận “đình chiến” thương mại.

Một thỏa thuận như vậy là điều hợp lý trong bối cảnh cả hai nước vẫn bất đồng sâu sắc về các điều khoản của một thỏa thuận thương mại toàn diện và các thiệt hại từ cuộc chiến thuế đang dần ngấm vào nền kinh tế của cả hai.

Một nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ ra rằng quyết định tăng thuế của Mỹ nhằm vào 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 5 có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ tốn kém thêm 831 đô la Mỹ mỗi năm do giá bán hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc hàng hóa có sử dụng linh kiện và nguyên liệu của Trung Quốc bị đẩy tăng lên để bù đắp cho chi phí thuế.

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings ước tính kế hoạch của Mỹ áp thuế thêm với hơn 300 tỉ hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc chưa bị đánh thuế, nếu được thực hiện sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 bị mất 0,6 điểm phần trăm và con số mất mát của Mỹ là 0,4 điểm phần trăm.

Trung Quốc có thể chịu đựng các đòn thuế của Mỹ trong ngắn hạn. Tiêu thụ trong nước đóng góp 65% cho mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí 2-2019, cao hơn nhiều so với những năm đầu thập niên 2000. Và Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư nếu thấy cần thiết. Nước này bắt đầu nới lỏng tiền tệ trong năm 2018 nhưng chỉ với mức độ tương đối bảo thủ. Lãi suất cho vay của các ngân hàng trong nước đang giảm nhưng mức trung bình lãi suất vẫn cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức đáy của chu kỳ nới lỏng tiền tệ ở lần gần nhất của Trung Quốc.

Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã mở chiến dịch siết chặt quản lý các “ngân hàng ngầm” nhằm giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc buộc phải nới lỏng cho vay trở lại và điều này có nghĩa là các ngân hàng ngầm này có thể không còn bị “ghìm cương” nữa và khối nợ trong nền kinh tế sẽ tăng lên. Một chính sách như vậy có nguy cơ bơm to thêm bong bóng thanh khoản trên thị trường cho vay liên ngân hàng ngắn hạn.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang bộc lộ các dấu hiệu suy yếu. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 5-2019 rơi về mức thấp nhất kể từ tháng 9-2009. Chỉ số PMI ngành dịch vụ của Mỹ trong cùng tháng cũng lùi về mức kém nhất kể từ tháng 3-2016.

Nguyên nhân khiến hai chỉ số này yếu đi rõ rệt một phần là do các đơn hàng xuất khẩu giảm cũng như chi phí của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu ở Mỹ tăng lên.

Mùa vận động tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra và điều này có nghĩa là Tổng thống Donald Trump cần bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng ổn định để thu hút lá phiếu của cử tri. Các nông dân Mỹ, lực lượng cử tri quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đang chịu tổn hại nặng nề do các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào các mặt hàng nông sản Mỹ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN hôm 25-6, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Sonny Perdue, nói nông dân Mỹ là một trong những bên bị tổn thương do chiến tranh thương mại, do vậy, ông cho rằng “một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung là điều có thể đạt được”.

Dù ông Trump nói rằng kinh tế Trung Quốc đang chịu tổn thất lớn hơn Mỹ nhưng các cố vấn của ông lại đang cảnh báo các rủi ro về một cuộc xung đột thương mại kéo dài với Trung Quốc. Fed cũng đã phát đi tín hiệu về kế hoạch cắt giảm lãi suất vì nhận thấy triển vọng kinh tế của Mỹ đang xấu đi. Một số quan chức Nhà Trắng đang đề xuất ý tưởng đưa ra khung thời gian sáu tháng đàm phán để đạt thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại Osaka, Nhật Bản.

Một lệnh “đình chiến” thương mại tạm thời cũng cho phép Bắc Kinh có thời gian để tiến hành một số thay đổi theo yêu cầu của Mỹ và sau đó Trung Quốc có thể tuyên bố rằng, nước này đang thay đổi các chính sách vì các lợi ích của chính nước này chứ không phải vì sức ép của Mỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại