Thị trường VLXD cuối năm: Nhu cầu hoàn thiện tăng cao
Những tháng cuối năm, thị trường VLXD sẽ bước vào mùa cao điểm. Mặc dù tình hình kinh doanh VLXD đang gặp khó khăn vì sức tiêu thụ giảm, song các chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường nhà ở, BĐS sẽ có xu hướng phát triển kèm theo một loạt chính sách kích cầu trong thời gian tới, sẽ tạo cơ hội cho ngành kinh doanh VLXD tăng trưởng.
Hiện đã là quý cuối cùng của năm 2020, các công trình xây dựng đã cơ bản hoàn thành phần thô và phải đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao nên thị trường VLXD hoàn thiện cũng đang "nóng" lên từng ngày. Các mặt hàng bán chạy nhất chủ yếu là gạch ốp, gạch ngói, thiết bị vệ sinh...
Dạo quanh một vòng tại các cửa hàng kinh doanh VLXD tập trung trên phố Cát Linh, Láng Hạ, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến… có thể thấy, nhu cầu sử dụng VLXD đang có chiều hướng tăng dần, tuy nhiên, giá bán hầu hết các mặt hàng không tăng, thậm chí còn giảm. Như mặt hàng xi măng trong quư III/2020 đồng loạt giảm giá từ 70.000 - 100.000 đ/tấn so với quý II, giá dao động từ trên 1 - 1,2 tỷ đ/tấn...
Theo đại diện Hiệp hội Xi măng, nguyên nhân khiến mặt hàng này giảm giá là do lượng xi măng tồn dư còn khá lớn, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng vẫn đứng im do nhiều nước tạm dừng nhập khẩu hoặc chỉ nhập số lượng ít, dẫn đến cung vượt cầu. Hiệp hội nhận định từ nay đến cuối năm 2020, giá bán khó có thể tăng lên mặc dù nhu cầu mua VLXD để sửa nhà, hoàn thiện dự án tăng vào dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, mặt hàng sắt thép xây dựng như thép Thái Nguyên, thép Việt - Úc, thép Hòa Phát, Việt Nhật… cũng trong tình trạng giảm nhẹ. Hiện giá bán thép cuộn phi 6, 8, 10 được bán ở mức khoảng trên dưới 13.000 đ/kg.
Từ đầu tháng 7/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên đến nay, giá sắt thép khá ổn định. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, giá sắt thép sẽ giữ ở mức ổn định, ít biến động. Đây là thời điểm thuận lợi cho các DN tranh thủ nhập hàng phục vụ cho công trình đợt cuối năm.
Các sản phẩm gạch lát nền thương hiệu Việt Nam như Đồng Tâm, Prime, Viglacera… dao động từ 80.000 - 250.000 đ/m². Gạch lát nền nhập khẩu từ Malaysia, Italia, Tây Ban Nha... có giá từ 400.000 - 1,3 triệu đ/m². Gạch xây dựng loại đặc và gạch tuynel 2 lỗ cũng đang trên đà giảm giá với giá bán tới tận chân công trình chỉ dao động từ 780 - 900 đ/viên.
Cùng với các sản phẩm gạch ốp lát, mặt hàng sơn tường cũng có sức tiêu thụ mạnh. Theo đánh giá của các chủ đại lý, lượng khách đến mua sơn tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng trước do nhu cầu hoàn thiện công trình tăng cao. Để phục vụ khách hàng, tăng thị phần, các DN sản xuất sơn đều đang đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn cho đại lý, đồng thời mạnh tay khuyến mãi đến người tiêu dùng.
Mặc dù ngành VLXD gặp khó do tác động của dịch Covid-19 song nhiều DN trong Ngành thừa nhận đây là giai đoạn thị trường tự điều chỉnh, sàng lọc.
Nhận xét về thị trường VLXD những tháng cuối năm 2020, đại diện VIGLACERA cho biết, sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, thị trường xây dựng bắt đầu vào nhịp trở lại, dự báo tình hình sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm. Từ nay đến cuối năm, nhiều DN sản xuất, kinh doanh VLXD sẽ đưa ra nhiều chiến lược, kế hoạch cho riêng DN mình để đáp ứng nhu cầu thị trường. Riêng VIGLACERA sẽ triển khai nhiều dự án xây dựng cả ở trong và ngoài nước.
Trong quý IV/2020, VIGLACERA dự kiến hoàn thành 2 dự án là nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ giai đoạn I (công suất 600 tấn/ngày) và dự án xí nghiệp khai thác chế biến nguyên liệu của Công ty CP VIGLACERA Thanh Trì.
VIGLACERA cũng nghiên cứu đầu tư và đầu tư các dự án mới như sản xuất pin năng lượng mặt trời, đầu tư giai đoạn 2 nhà máy kính siêu trắng Phú Mỹ, công suất 900 tấn/ngày, triển khai dây chuyền gạch ốp công suất 3 triệu m2/năm tại VIGLACERA Thăng Long, mua lại nhà máy sản xuất gạch ốp lát và khảo sát tìm kiếm địa điểm mới để đầu tư phát triển sản phẩm đất sét nung theo công nghệ mới của VIGLACERA Hạ Long…
Bên cạnh đó, những dự án đầu tư tại nước ngoài cũng tiếp tục được triển khai theo tiến độ. Đó là, dự án VLXD của liên doanh SanVig tập trung vận hành 2 nhà máy gạch và sứ vệ sinh, tích lũy lợi nhuận để nghiên cứu đầu tư 2 nhà máy mới. VIGLACERA cũng dự kiến cũng sẽ thành lập Công ty TNHH tại Mỹ nhằm tiêu thụ sản phẩm VLXD VIGLACERA tại thị trường này cũng như khu vực Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh…
Tương tự, Công ty TNHH ống thép Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước 1,26 triệu tấn thép xây dựng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, riêng khu vực miền Nam tăng gần gấp 2 lần với hơn 292 nghìn tấn. Xuất khẩu thép thành phẩm đạt 160 nghìn tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2019.
Dự báo nhu cầu tiêu dùng xã hội sau dịch bệnh tăng cao trong thời gian tới sẽ giúp sản lượng bán hàng của công ty tăng trưởng tốt, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt sản lượng 3,5 - 3,6 triệu tấn thép xây dựng, trong đó đạt mốc 1 triệu tấn thép tại phía Nam…
Các chuyên gia nhận định, để phục hồi và bứt phá vào những tháng cuối năm, các DN cần có chiến lược kinh doanh mới và linh hoạt, trong đó cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đầu tư công nghệ trong sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, quan trọng là phải nắm rõ thị hiếu, cung cấp các sản phẩm, công trình phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận