Thị trường việc làm của Mỹ vẫn cần “chữa trị”
Trong một bài phát biểu trên kênh “Face the Nation”của CBS vừa qua, ông Neel Kashkari - Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis cho biết, thị trường lao động việc làm tại Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng “hố đen” và vẫn cần được Chính phủ hỗ trợ tích cực.
Nước Mỹ vẫn chỉ tạo ra được khoảng từ 8 đến 10 triệu việc làm, con số này dưới mức họ có được trước đại dịch. Thực tế chỉ ra rằng, chính các khoản trợ cấp thất nghiệp được nâng cao mà chính phủ Mỹ tung ra đợt vừa qua đã góp phần không khuyến khích quay trở lại làm việc của người lao động.
Trong báo cáo khảo sát mới đây của Bloomberg News, tăng trưởng việc làm của Mỹ bất ngờ giảm nhẹ vào tháng 4 so với tháng trước, với mức tăng chỉ là 266.000 việc làm. Dự đoán rằng sẽ có khoảng 1 triệu người được tuyển dụng vào tháng 4, nhưng tỷ lệ thất nghiệp mới được công bố vẫn ở mức 6,1%.
Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể đưa người lao động trở lại làm việc nhanh hơn. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang cũng đang triển khai nhiều biện pháp để đẩy nhanh quá trình phục hồi thị trường việc làm, bởi vì điều này tốt cho nền kinh tế và tốt cho dân chúng Mỹ.
Tại cuộc họp kéo dài 2 ngày hồi cuối tháng 4 vừa qua, các ngân hàng lớn của Mỹ đã cam kết giữ lãi suất gần bằng 0 và lặp lại rằng họ sẽ tiếp tục mua 80 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán mỗi tháng cho đến khi nền kinh tế đạt được “tiến bộ đáng kể hơn nữa” về việc làm và lạm phát.
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cho biết, tiến trình này có thể sẽ mất “một khoảng thời gian”. Theo con số ước tính trung bình của các dự báo mà Fed đã công bố vào tháng 3, thì rất khó có việc tăng lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương từ mức gần bằng 0 hiện tại trước năm 2024.
Bên cạnh những quan điểm tích cực nhằm cải thiện thị trường việc làm tại Mỹ, một số quan chức lãnh đạo đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục đưa ra những chỉ trích gay gắt chính sách tăng trợ cấp thất nghiệp của Tổng thống Joe Biden đã và đang không khuyến khích người lao động Mỹ quay trở lại làm việc. Việc phải trả lương cho những người không làm việc đang làm suy yếu thị trường việc làm. Điều mà các nhà hoạch định chính sách cần làm thời điểm này là nên chấm dứt khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung hàng tuần trị giá 300 USD.
Dựa trên phân tích của Phòng thương mại Mỹ thì khoản trợ cấp 300 USD/tuần đối với những người nhận thất nghiệp đang nhiều hơn số tiền họ kiếm được khi làm việc.
Được biết, khoản tiền trợ cấp thất nghiệp này như một phần của nỗ lực cứu trợ Covid-19 sẽ hết hạn vào tháng 9/2021 tới đây. Các thống đốc ở bang Montana, Nam Carolina và Arkansas đã có kế hoạch chấm dứt trợ cấp sớm hơn. Phòng Thương mại Mỹ cũng đã kêu gọi chính quyền chấm dứt việc bổ sung trợ cấp. Những ý kiến chỉ trích xung quanh khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung này đã nhấn mạnh thêm rằng, nước Mỹ có thể xảy ra tình trạng lạm phát theo kiểu thập niên 1970 do các đề xuất chi tiêu hàng nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Cùng với nỗi sợ hãi kéo dài của người dân về virus, tình trạng tiếp tục thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em hợp túi tiền trong khi nhiều trường học vẫn đóng cửa cũng là nhân tố góp phần vào bức tranh ảm đạm của thị trường lao động việc làm của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Neel Kashkari - Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis vẫn lạc quan cho rằng các yếu tố đó đều sẽ có xu hướng cải thiện tốt hơn trong vài tháng tới. Khi sự lây lan của virus tiếp tục được kiềm chế chậm lại và được kiểm soát tốt hơn, các trường học mở cửa trở lại và mọi người dần lấy lại niềm tin, mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn, dẫn đến kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm và thị trường lao động việc làm theo đó cũng có khả phục hồi mạnh mẽ.
Lạm phát sẽ "có vẻ cao" trong vài tháng tới do các nút thắt của chuỗi cung ứng đã được tháo dỡ và cũng do nền kinh tế được mở cửa trở lại, nhưng điều đó có thể chỉ là tạm thời. Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang cần phải có các công cụ để đảm bảo rằng nước Mỹ không lặp lại lịch sử những năm 1970.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận