Thị trường vàng 24/4: Điều chỉnh giảm nhưng triển vọng sáng nhờ hưởng lợi từ Fed
Các chuyên gia dự đoán vàng có thể giao dịch ở mức cao là 1.880 USD/oz vào cuối năm nay. Quan trọng hơn, họ tin rằng vào quý 2 năm 2021, giá vàng sẽ phá vỡ mức cao kỷ lục 1.900 USD và giao dịch cao tới 2.000 - 2.300 USD/oz.
Tính đến 9h sáng nay (24/4), giá vàng giao ngay trên thế giới giảm 8,4 USD/oz (0,48%) so với cuối phiên gần nhất, chốt ở mức 1.724,2 USD/oz. Giao dịch trong phiên dao động quanh các mức 1.708,8 - 1.745,4 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng tương lai tháng 6 trên sàn Comex giảm 0,3 USD (0,02%) so với cuối phiên trước, hiện đang ở mức 1.745,1 USD/oz. Hôm qua, tính đến gần cuối phiên, giá vàng tháng 6 đã tăng gần 50 USD trong ngày.
Chốt phiên hôm qua, giá vàng hợp đồng tương lai đã tăng 300 USD trong 6 tuần, từ mức 1.450 đến 1750 USD. Trươc đó, vàng có lần tăng tương tự vào năm 2011. Đáng chú ý, trong cả hai lần tăng, nguyên nhân cơ bản đều do việc nới lỏng định lượng và chính sách tiền tệ tự do của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Mặc dù, lý do khiến Fed hành động là hoàn toàn khác nhau, nhưng đều có tác dụng tương tự, là khiến giá vàng tăng cao đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn.
Cuộc khủng hoảng hiện nay phức tạp hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008, vì nó đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề hơn những gì đã được chứng kiến kể từ cuộc đại suy thoái 2008.
Ngày 15/3, Fed đã tuyên bố tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng, mua 500 tỷ USD trái phiếu và 200 tỷ USD chứng khoán thế chấp trong vài tháng tới.
Trong khi các ngân hàng cố gắng giữ cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, thì vấn đề lớn nhất là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khi đại dịch gần như đã đặt cả thế giới vào tình trạng phong tỏa vô hình. Hàng triệu việc làm đã bị xáo trộn hoặc mất đi, và nhiều người không thể đủ thu nhập để lo cho gia đình.
Chính vì lý do đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải mất nhiều năm để hồi phục khi đại dịch lắng xuống, bằng cách tạo ra một loại vắc-xin hoặc thuốc hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Fed cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác đang cố gắng giảm thiểu và khắc phục hậu quả do đại dịch toàn cầu này gây ra bằng các động thái tích cực nhất. Những hành động này hầu hết đều dẫn đến phá giá tiền tệ, điều này khiến các nhà đầu tư mong muốn chuyển dòng vốn vào kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Đây cũng là nguyên do mà nhiều nhà phân tích đang dự báo giá vàng sẽ cao hơn nhiều vào cuối năm nay. Ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Union Bancaire Privee (UBP) tin rằng giá vàng sẽ lên mức cao kỷ lục là 1.920 USD/oz. Trước đó, Bank of America đưa dự báo vàng có thể đạt 3.000 USD/oz trong vòng 18 tháng tới.
Còn về khía cạnh kỹ thuật, các chuyên gia dự đoán vàng có thể giao dịch ở mức cao là 1.880 USD/oz vào cuối năm nay. Thậm chí, họ tin rằng vào quý II/2021, giá vàng sẽ phá vỡ mức cao kỷ lục 1.900 USD và giao dịch cao tới 2000 - 2300 USD/oz.
Tại thị trường trong nước, tính đến 9h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM hiện đang ở mức 47,75 - 48,40 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán so với cuối phiên trước đó.
Tương tự, tại Hà Nội, giá vàng SJC hiện đang ở mức 47,75 - 48,42 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện niêm yết giá vàng AVPL tại TP.HCM ở mức 47,85 - 48,30 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên giá bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng AVPL của DOJI đang được niêm yết ở mức 47,85 - 48,20 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận