Thị trường vận tải hàng không đang “chững lại”
Nhiều nhận định cho rằng, thị trường vận tải hàng không đang bão hoà và có dấu hiệu “chững lại” sau nhiều năm tăng trưởng nóng.
Theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại.
Theo giới phân tích,kinh tế thế giới đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới giảm, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc.
Trong khi đó, trong nước dù ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Trong bối cảnh đó, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang sụt giảm và có dấu hiệu bão hòa.
Cụ thể, về sản lượng vận chuyển, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của toàn mạng Cảng (không bao gồm CHKQT Vân Đồn) trong 5 tháng đầu năm 2019đạt 46,7 triệu khách tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thị trường hàng không nội địa tăng 6,2%; quốc tế tăng 13%. Các Cảng có sản lượng quốc tế tăng trưởng cao là Nội Bài 13%, Đà Nẵng 27%, Cam Ranh 26% và Phú Quốc 86%. Đây là những con số không quá cao nếu so với mức tăng trưởng 15% của toàn thị trường năm 2018.
Cùng với đó, lượt hạ cất cánh của các hãng hàng không tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018 trong đó có sự đóng góp củahãng Hàng không mới Bamboo Airways.
Đánh giá cũng cho thấy, việc giá dầu liên tục biến động được nhận định sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí và hoạt động của các hãng hàng không.
Trong đó, với ACV, dù có tăng trưởng 5 tháng đầu năm nhưng trong vận chuyển hàng hóa bưu kiện, hàng hóa quốc nội chỉ đạt 94% so với 5 tháng đầu năm 2018 do sản lượng nội địa của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài chỉ đạt 88% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, động lực tăng trưởng doanh thu của ACV chủ yếu từ các hoạt động tài chính và các hoạt động kinh doanh cốt lõi cung cấp dịch vụ hàng không - phi hàng không và bán hàng.
Tổng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này ước gần 4.000 tỷ, chiếm 36,3% kế hoạch năm, tương ứng với 90% so với cùng kỳ 2018.
Trên thực tế, thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại từ năm 2017 sau giai đoạn tăng trưởng nóng từ 2016 về trước. Bộ Giao thông Vận tải cũng dự định điều chỉnh quy hoạch phát triển hàng không giai đoạn sau 2020 giảm dần xuống mức một con số thay vì hai con số như cách đây 3 năm.
Tăng trưởng thị trường hàng không đã giảm xuống còn 6,9% vào năm 2018, năm 2017 trước đó ghi nhận mức tăng trưởng 9,9%.
Thống kê mới đây của Cục Hàng không cho thấy mức tăng toàn thị trường còn sụt giảm mạnh hơn. Quý I/2019, sản lượng vận chuyển khách của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 12,5 triệu lượt, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó vận chuyển khách quốc tế tăng 8,4% và khách nội địa chỉ tăng 2,4%.
Điều này cho thấy thời kỳ kinh doanh hàng không chạy theo tăng trưởng số lượng hành khách đang dần qua. Bản thân lãnh đạo ACV cũng cho biết, những tháng tiếp theo, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện các giải pháp tăng hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ phi hàng không. Đồng thời, đẩy nhanh các công trình sửa chữa để làm cơ sở cân đối chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận