Thị trường thực phẩm ảm đạm
Qua khảo sát tại các chợ, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Đà Nẵng vào thời điểm này cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn đã chuẩn bị kế hoạch hàng hóa kỹ lưỡng.
Thị trường thực phẩm sau tết tại TP. Đà Nẵng được đánh giá là khá ổn định so với nhiều năm trước. Thông thường, cứ mỗi sau dịp tết, thị trường hàng hóa nhu cầu thiết yếu như thịt, cá, rau củ quả… thường tăng cao do sự trở lại làm việc của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, sự trở lại của học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, học nghề trên địa bàn.
Thế nhưng, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV), tất cả các trường học trên địa bàn tạm cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Điều đó làm ảnh hưởng một phần đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm.
Theo ghi nhận thực tế, tại Đà Nẵng, ngay từ mùng 2 Tết Canh Tý 2020, ở một số chợ trên địa bàn các tiểu thương đã trở lại buôn bán phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Các chợ phục vụ chủ yếu những thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, cá, rau củ quả. Do thời điểm này người bán ít và còn “tâm lý ngày tết” nên giá bán các loại thực phẩm cũng tăng thêm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt đùi heo có giá 150.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg (đều tăng 10.000 đồng/kg so với ngày thường); rau xà lách 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với trước…
Từ mùng 4 Tết, tiểu thương các chợ trở lại hoạt động buôn bán bình thường. Một số chợ tại Đà Nẵng như chợ Hàn, chợ Cồn, Cẩm Lệ, Hòa Cường, Hòa Xuân… đến sáng mùng 6 Tết, gần như 100% tiểu thương ở khu thực phẩm tươi sống trở lại kinh doanh với lượng hàng hóa phong phú. Giá bán nhiều mặt hàng vẫn giữ mức giá ổn định, nguồn hàng về chợ khá dồi dào. Nhóm các mặt hàng tươi sống như rau xanh, củ, quả, thịt, cá... có nhu cầu tiêu thụ mạnh sau tết, nhưng vẫn giữ giá như ngày thường. Tại chợ Cồn, đậu ve giá 12.000 đồng/kg, súp lơ, xà lách búp 25.000 đồng/kg, cà chua 12.000 đồng/kg, dưa leo 13.000 đồng/kg...
Chị Nguyễn Thị Ngọc, tiểu thương bán thịt tại chợ Hòa Xuân cho hay, hầu hết các sản phẩm thịt đều có giá ngang bằng, thậm chí thấp hơn so với trước Tết Nguyên đán. Sức mua không tăng đột biến như những năm trước đây.
Một tiểu thương cũng chia sẻ, sức mua của người tiêu dùng sau tết bị giảm; giá cả theo đó cũng giảm theo. Hơn tuần nay, hàng hóa khá ế ẩm, cũng còn do các trường học mầm non, tiểu học, hàng quán, nhà hàng trên địa bàn không nhập hàng. Theo tiểu thương này, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nCoV, ngành giáo dục cho các trường học trên địa bàn cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ học nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc sức tiêu thụ các thực phẩm thiết yếu. Quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp và 2 khu công nghiệp Hòa Khánh và Liên Chiểu.
Bên cạnh chợ truyền thống, các siêu thị trên địa bàn cũng mở cửa từ mùng 4 tết. Lượng hàng hóa được dự trữ trước đó tại siêu thị cũng góp phần bình ổn giá. Một số siêu thị như Co.opmart, Big C… vẫn chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá ngay ngày đầu hoạt động trở lại, nhất là các mặt hàng thiết yếu, rau, củ, hải sản tươi sống. Chương trình bình ổn giá sẽ tiếp tục được duy trì đến giữa tháng 3/2020.
Theo Sở Công thương TP. Đà Nẵng, giá cả trên thị trường trong dịp tết vừa qua không có biến động lớn, chỉ tăng nhẹ vào những ngày cận tết, nhưng không đáng kể. Tại các chợ trên địa bàn, sức mua dịp tết năm nay có giảm so với năm trước do ảnh hưởng từ việc giá thịt lợn tăng cao do dịch tả heo châu Phi. Đa số người dân đều tiết giảm các khoản chi tiêu và không mạnh tay sắm tết. Lượng hàng hóa tiêu thụ khá chậm so với mọi năm.
Qua khảo sát tại các chợ, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Đà Nẵng vào thời điểm này cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn đã chuẩn bị kế hoạch hàng hóa kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, lúc này Đà Nẵng đang tăng cường các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh nCoV nên có thể làm xuất hiện tâm lý đầu cơ, tích trữ hàng hóa trong xã hội do lo ngại bệnh dịch bùng phát.
Trước thực tế này, ngày 4/2/2020, Sở Công thương TP. Đà Nẵng có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình giá cả; vấn đề an toàn thực phẩm cũng như bảo đảm nguồn cung hàng hóa ổn định.
Theo đó, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ, ban quản lý các chợ cấp quận, huyện, các DN đầu mối cung ứng nguồn hàng lớn, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá, bán hàng theo đúng giá niêm yết; không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tạo dư luận khan hiếm giả nhằm tăng giá đột biến, gây tâm lý bất an trong dư luận.
Yêu cầu các đơn vị phối hợp với ngành chức năng triển khai kiểm tra các đơn vị, DN kinh doanh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm nhằm bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, các đơn vị cung ứng những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày như: thịt gia súc, gia cầm, rau xanh, trái cây… bảo đảm nguồn cung ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, trấn an tâm lý người dân trong việc không nên mua sắm, tích trữ hàng hóa với số lượng lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận