Thị trường thép thế giới: Chóng mặt với giá tăng
Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới khiến ngành hàng thép cũng có sự liên thông, tương đồng với sự biến động của thị trường thế giới cả đầu vào và đầu ra.
Nguyên liệu tăng dựng ngược
Theo Tập đoàn Hòa Phát cho hay, giá nguyên liệu trên thị trường thế giới đã tăng phi mã thời gian qua.
Cụ thể, giá phế liệu đã liên tục tăng mạnh, từ mức 207 USD/tấn vào tháng 4/2020 lên mức 500 USD/tấn vào 10/5/2021, tương ứng mức tăng gần 2,5 lần.
Nếu tính từ tháng 11/2020 đến nay thì giá có sự tăng mạnh, từ mức 300 USD lên 500 USD/tấn, tức là gần gấp đôi trong 6 tháng. Còn so với đầu tháng 4/2021 đến nay, giá phế liệu tăng từ 430 USD lên 500 USD/tấn, tăng 70 USD trong một tháng.
Không chỉ giá phế liệu tăng mạnh, mặt hàng quặng cũng có sự biến động mạnh.
Tháng 5/2020, giá quặng sắt mới ở mức 88 USD/tấn thì thời điểm tháng 5/2021 hiện nay đã lên mức 229 USD/tấn, cao gấp 2,6 lần so với trước đây 1 năm.
Nếu tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5/2021, giá quặng tăng dựng đứng, từ 167 USD lên 229 USD/tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngày 10/5, giá quặng sắt trên sàn của Trung Quốc tăng 10% lên mức cao kỷ lục, giá thép tăng 6% kịch trần.
Còn trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt tháng 6 tăng 10,3% lên 226,25 USD/tấn.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá mạnh trên thị trường thép, đại diện Tập đoàn Hoà Phát cho hay, Trung Quốc đang chiếm 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu, và chi phối hoàn toàn giá quặng sắt thế giới. Nhu cầu thép ở quốc gia này rất lớn, đặc biệt Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nhằm phục hồi sau dịch Covid-19. Vì vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực dự trữ, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất.
Quan hệ giữa nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc và nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất Australia có dấu hiệu xấu đi cũng đóng góp vào việc thúc đẩy giá quặng sắt tăng, nhất là khi Trung Quốc cũng có xu hướng tích trữ nguyên liệu cho sản xuất.
Việc giá phế liệu, quặng sắt tăng mạnh suốt thời gian qua tác động rất lớn đến chi phí đầu vào của sản phẩm.
Tại các doanh nghiệp sản xuất thép theo công nghệ lò điện (luyện phôi thép từ phế liệu), ảnh hưởng này là lớn nhất. Nguyên do nguyên liệu chiếm phần lớn giá thành do tỷ lệ tiêu hao phế liệu/tấn thép thô là 1,1 - tức là làm 1 tấn thép từ phế liệu thì cần 1,1 tấn phế.
Đối với loại nhà máy áp dụng lò cao liên động (luyện thép từ quặng sắt), quặng sắt chiếm gần 50% giá thành. Vì vậy, việc tăng mạnh giá quặng sắt như nói trên đã ảnh hưởng ngay tới giá thành sản xuất.
Theo các doanh nghiệp, giá bán thành phẩm cân đối theo thị trường thế giới, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và quá nhanh sẽ gây ảnh hưởng đối với nhà sản xuất bởi giá thành không thể tăng tương ứng, “không cõng” được hết chi phí nguyên liệu.
Thống kê của chính nhà bán thép cho thấy, giá thép cuộn từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021 đã tăng 56%. Đối với thép cây, mức tăng giá là 42% trong cùng thời gian trên.
Đối mặt với tình huống này, để phục vụ sản xuất được ổn định, các doanh nghiệp thép vẫn phải mua hàng dù giá nguyên liệu đầu vào có tăng cao. Đó là chưa kể tới việc không mua nhanh là không có hàng để sản xuất.
“Bình thường doanh nghiệp mua nguyên liệu gối đầu cho từng quý nhưng hiện tại phải mua nguyên liệu cho cả quý IV, dù rủi ro cao nhưng phải chấp nhận để đảm bảo nhà máy sản xuất liên tục, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho thị trường”, đại diện Hoà Phát cho hay.
Từ góc độ một nhà sản xuất chiếm thị phần lớn nhất hiện nay với hơn 32%, hiện các nhà máy của Hòa Phát chạy tối đa công suất, đảm bảo cung cấp nhiều nhất sản phẩm cho thị trường.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng thép của Hòa Phát tăng 64% so với cùng kỳ. Chiến lược kinh doanh của nhà sản xuất này vẫn theo hướng ưu tiên thị trường trong nước, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống đại lý đã luôn gắn bó song hành cùng công ty lúc thị trường thuận lợi cũng như khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận