Thị trường tài chính 24h: Nhiều cổ phiếu định giá vẫn còn rẻ
VN-Index ít biến động; 2020, vốn tín dụng chảy vào đâu?; Bó tay chuyện “tắc đường” của thị trường chứng khoán Việt Nam; Cổ phiếu vẫn rẻ; Giao dịch T+0, thị trường sẽ sôi động và hiệu quả hơn; Chứng khoán châu Á đồng loạt phục hồi mạnh; Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu chip…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 25/2 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giữ nguyên chiều chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,05 – 56,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 1,7 USD xuống 1.804,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục yếu dần và về dưới 1.795 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,04% xuống 90,13 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.130 đồng, giảm 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.930 - 23.110 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,26 USD (+0,41%), lên 63,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,35 USD (+0,52%), lên 67,39 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index biến động nhẹ
Sau phiên sáng biến động nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều không có thêm diễn biến nào mới đáng kể, khi sự thận trọng và thiếu vắng thông tin khiến VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu khi đến khi đóng cửa.
Rổ VN30 đa phần chỉ nhích nhẹ, bật hẳn lên chỉ còn VJC +2,4%, PLX +1,9%, MWG +1,4%, PNJ +1,4%.
Nhóm cổ phiếu thị trường VIX, HAH, CRC, TDC, TLH, GIL, BCE, SCM vẫn là tâm điểm khi đều tăng trần. Trong khi RIC ghi nhận phiên tăng kịch trần thứ 28 liên tiếp lên 33.000 đồng.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giao dịch khởi sắc trong phiên ngày thứ Tư (24/2), nhờ Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell tuyên bố, nền kinh tế Mỹ có thể mất đến hơn ba năm để đạt được mục tiêu lạm phát mà Fed đặt ra. Điều này đồng nghĩa với việc, Fed có kế hoạch giữ nguyên lãi suất thấp trong một thời gian dài sắp tới.
Về dữ liệu kinh tế, doanh số bán nhà mới xây đạt mức 923.000 căn (đã được điều chỉnh theo mùa) vào tháng 1/2021, cao hơn so với dự báo trước đó là 850.000 căn.
Chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trên 30.000 điểm, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Jerome Powell cho biết lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,67% lên 30.168,27 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,22% lên 1.926,23 điểm.
Fast Retailing, nhà điều hành các cửa hàng quần áo thương hiệu Uniqlo, tăng 1,78%, đóng góp lớn nhất vào mức tăng của Nikkei 225.
Đáng kể khác là nhóm cổ phiếu liên quan đến chip đã tăng vọt, với Tokyo Electron tăng 1,49%, Fanuc tăng 5,65% và TDK tăng 2,36%.
Suzuki Motor giảm 3,3% sau khi chủ tịch 91 tuổi của hãng là ông Osamu Suzuki tuyên bố nghỉ hưu. Thông báo của ông được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi đối thủ Honda Motor bổ nhiệm một CEO mới. Cổ phiếu Honda tăng 1,24%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng trở lại nhờ nhóm cổ phiếu lĩnh vực bất động sản.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,59% lên 3.585,05 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,59% lên 5.469,56 điểm.
Cổ phiếu bất động sản nằm trong số những cổ phiếu tăng giá hàng đầu, sau khi một số nghiên cứu của các công ty môi giới cho biết, định giá của lĩnh vực bất động sản đang ở mức thấp trong lịch sử. Một thước đo theo dõi lĩnh vực này đã tăng 8,17%.
Chứng khoán Hồng Kông tăng trở lại, sau khi có phiên tồi tệ nhất trong hơn 9 tháng hôm qua.
Đóng cửa, Hang Seng-Index chuẩn tăng 1,2% lên 30.074,17 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,8% lên 11.717,41 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên tăng mạnh, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu lớn ký và lực mua từ nhà đầu tư nước ngoài, sau khi Chủ Fed Jerome Powell tái khẳng định giữ lãi suất ở mức thấp.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 3,50% lên 3.099,69 điểm, phục hồi từ mức giảm 2,45% trong phiên trước.
Các ông lớn về chip là Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt tăng 4,02% và 9,19%, trong khi Naver và LG Chem tăng 2,41% và 3,49%.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng góp thêm phần tích cực khi quay trở lại mua ròng 968,4 tỷ won (874,35 triệu USD trên bảng điện tử.
Các thông tin đáng chú ý khác
- 2020, vốn tín dụng chảy vào đâu?
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp trong tháng đầu năm, nhưng đã hồi phục dần từ tháng 7 và tính đến cuối tháng 12/2020, tín dụng nền kinh tế tăng 12,17% so với cuối năm 2019, quy mô tín dụng đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng..>>
- Cổ phiếu vẫn rẻ
Theo ông Dương Kỳ Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE), nhiều cổ phiếu định giá vẫn còn khá thấp nên chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hàng đầu..>>
- Bó tay chuyện “tắc đường” của thị trường chứng khoán Việt Nam
Bất cứ ai theo dõi bảng điện tử sàn HOSE chiều 24/2 đều rất dễ mang tâm lý chán chường vì hệ thống lại lăn quay, lệnh mua, lệnh bán không thể gặp nhau..>>
- Giao dịch T+0, thị trường sẽ sôi động và hiệu quả hơn
Năm 2020, TTCK Việt Nam đã phát triển cơ bản về chất. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cơ sở đạt 7.281 tỷ đồng/phiên, tăng 56% và mức vốn hóa cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt 5,31 triệu tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2019..>>
- Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu chip
Sắc lệnh hành chính vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều ngành/lĩnh vực, từ thiết bị y tế đến xe điện..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận