Thị trường tài chính 24h: Lời cảnh tỉnh khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu đầu cơ
VN-Index thêm một phiên tăng điểm; Tín dụng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM giảm mạnh; Doanh nghiệp thép bắt đầu trích lập dự phòng giảm giá tồn kho; Thị trường trải qua đợt bán tháo, liệu FOMO sẽ biến mất; Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay để kiềm chế lạm phát bất thường…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/1 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 61,15 – 61,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 0,9 USD xuống 1.839,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng suy yếu và chỉ khi lùi về gần 1.830 USD/ounce mới bật nhẹ lên vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,64 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.077 đồng/USD, giảm 23 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.480 – 22.760 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,50 USD (-1,85%), xuống 83,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,57 USD (-1,78%), xuống 86,81 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm xuống gần 40.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục lao dốc và giảm về 39.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều.
Chứng khoán trong nước
VN-Index tăng hơn 7 điểm
Dòng tiền nóng đã nhanh chóng nhập cuộc ngay từ sớm giúp thị trường duy trì đà tăng với tâm điểm là sự trở lại của nhóm bất động sản vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu FLC.
Tuy nhiên, áp lực bán ra ở cuối phiên sáng đã ảnh hưởng tới thị trường khi bước vào phiên chiều, khiến thị trường nhanh chóng chuyển đỏ.
Nhưng nhóm ngân hàng đã làm tốt vai trò nâng đỡ thị trường, VN-Index nới rộng đà tăng điểm và vượt ngưỡng 1.470 điểm khi đóng cửa.
Nhóm ngân hàng với sắc xanh phủ kín, với MBB +5,3%, VCB +2,4%, STB + 2,4%, TCB +1,9%, ACB +1,5%...
Nhóm bất động sản với nhiều mã nóng vừa và nhỏ đã tìm lại sắc tím như DIG, CII, FLC, ROS, SCR, HDC, LDG, QCG…
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tiếp tục gặp khó trong phiên ngày thứ Năm (20/1), khi môi trường lãi suất cao khiến nỗi lo Fed thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn đeo bám thị trường.
Biến động rất mạnh ở chỉ số Nasdaq Composite, khi có thời điểm vọt hơn 2% nhưng đóng cửa giảm điểm, sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn tăng.
Trong khi đó, S&P 500 giảm 1,1% còn gần 4.483 điểm, mặc dù trước đó có lúc tăng 1,5%. Chỉ số này rớt mốc 4.500 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021. So với đầu năm, chỉ số này đã mất 5,9%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, thường di chuyển theo kỳ vọng lãi suất đã tăng 1,2 điểm cơ bản lên 1,037%. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chạm mức 1,87%.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do các công ty công nghệ lớn chịu thiệt hại sau khi Nasdaq giảm 1% đêm qua trên phố Wall do lo ngại lạm phát và lãi suất tăng cao.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,9% xuống 27.522,26 điểm. Chỉ số Topix mất 0,59% xuống 1.927,18 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 để mất 2,1%, trong khi Topix giảm 2,5%.
Các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu mức giảm, với Tokyo Electron giảm 6,2%, Advantest giảm 3,98% và Shin-Etsu Chemical giảm 2,07%.
Trái lại, hàng không và đường sắt là những cổ phiếu tăng giá hàng đầu, với chỉ số phụ theo dõi ngành lần lượt tăng 3,84% và 1,54%, trong đó, ANA Holdings tăng 3,73% và Keisei Electric Railway tăng 3,48%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm do các công ty công nghệ trượt dốc, sau khi cơ quan giám sát internet đưa thêm cảnh báo mới.
Đóng cửa Shanghai Composite giảm 0,91% xuống 3.522,57 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,92% xuống 4.779,31 điểm.
Chỉ số ngành công nghệ giảm 1,48%, sau khi cơ quan giám sát chống rửa tiền của Trung Quốc cam kết điều tra và trừng phạt bất kỳ hành vi tham nhũng nào được phát hiện đằng sau các nền tảng internet.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ sự thúc đẩy từ các công ty bất động sản lớn và cổ phiếu tiêu dùng, nhưng tâm lý thị trường vẫn mong manh trong bối cảnh lo ngại về sự thắt chặt của Fed và triển vọng kinh tế Trung Quốc.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,05% lên 24.965,55 điểm, Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,29% lên 8.787,30 điểm.
Mức tăng được dẫn dắt bởi các công ty chủ lực tiêu dùng, với chỉ số theo dõi ngành tăng 2,59%.
Chỉ số phụ theo dõi các công ty xây dựng và bất động sản đã tăng trong phiên chiều, đóng cửa tăng 1,03%, dẫn đầu là Kerry Properties tăng 5,06% và Sunac China Holdings tăng 4,95%.
Chỉ số này đã tăng bốn phiên liên tiếp trong tuần này, với hy vọng rằng một loạt các biện pháp gần đây của chính phủ sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt thanh khoản của ngành và đảo ngược tình trạng suy yếu trong lĩnh vực xây dựng.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, khi cổ phiếu công nghệ theo chân các công ty cùng ngành đêm qua trên phố Wall.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 28,39 điểm, tương đương 0,99% xuống 2.834,29 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 29/12/2020.
Trong tuần, chỉ số này giảm 3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 1/10/2021.
Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1,18% và 4,80%, trong khi Naver cũng giảm 0,60%.
Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 1 này đã tăng 22% so với một năm trước đó, nhưng điều đó không giúp cải thiện tâm lý thị trường.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tín dụng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM giảm mạnh
NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, kết thúc năm 2021, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM lần đầu tiên ở mức thấp nhất, chỉ chiếm 7% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn..>>
- Doanh nghiệp thép bắt đầu trích lập dự phòng giảm giá tồn kho
Nếu như giai đoạn đầu năm 2021, các doanh nghiệp thép tăng tích trữ tồn kho để hưởng chênh lệch giá và tận dụng cơ hội giá thép tăng để gia tăng lợi nhuận, thì bước giai đoạn cuối năm khi giá thép đảo chiều, chiến lược tồn kho đang phản ứng ngược..>>
- Thị trường trải qua đợt bán tháo, liệu FOMO sẽ biến mất
Điều mà các nhà đầu tư mua theo hiệu ứng FOMO chưa bao giờ nghĩ tới kịch bản cổ phiếu đầu cơ, thị giá thấp sẽ mất thanh khoản và không bán được. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn bán tháo vừa qua, hàng loạt cổ phiếu mất thanh khoản, điều này sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu đầu cơ và nguy cơ mất thanh khoản vẫn hiện hữu..>>
- Khảo sát của Reuters: Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay để kiềm chế lạm phát bất thường
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ cách đây một tháng và điều này được các nhà kinh tế xem là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong năm tới..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận