Thị trường tài chính 24h: Cơ hội còn rất nhiều
VN-Index tăng hơn 18 điểm; Ngân hàng lo mất quyền thu giữ tài sản đảm bảo; Cơ hội trên thị trường chứng khoán còn rất lớn; Đo lường “bong bóng” chứng khoán; Chứng khoán châu Á đa số chìm trong sắc đỏ; Tháng 7, tăng trưởng sản xuất của Mỹ hạ nhiệt tháng thứ hai liên tiếp…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 3/8 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,60 – 57,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 0,5 USD xuống 1.813,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lùi nhẹ về quanh 1.810 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,08% xuống 91,97 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 3/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.176 đồng/USD, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.850 - 23.050 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,59 USD (+0,83%), lên 71,85 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,57 USD (+0,78%), lên 73,46 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua có giảm xuống gần 39.300 USD thì sang hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về quanh 38.600 USD/BTC vào cuối ngày.
Chứng khoán trong nước
VN-Index tăng lên trên 1.330 điểm
Sau phiên sáng gặp áp lực bán khi vượt qua 1.330 điểm và lùi bước, thị trường bước vào phiên chiều với giao dịch giằng co nhẹ, trước khi lực cầu giá cao nhập cuộc mạnh mẽ, kéo VN-Index lên trên 1.330 điểm khi đóng cửa.
Điểm nhấn chính vẫn là nhóm Vingroup với VIC +6,5%, VRE +2,9%, VHM +2,6%. Ngoài ra là SSI +2,7%, HDB +2%, TCB +2%, BID +1,9%, VCB +1,9%, STB và MBB cùng tăng 1,7%.
Ở nhóm vừa và nhỏ, các cổ phiếu họ nhà FLC đứng vững, ngoài FLC và ROS hạ nhiệt đôi chút so với cuối phiên sáng thì AMD và HAI vẫn duy trì được mức giá trần.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall khởi đầu tuần mới với một phiên giao dịch ảm đạm vào thứ Hai (2/8) khi nỗi lo về biến thể Covid-19 delta cũng như dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm lại làm lu mờ sự lạc quan xung quanh mùa báo cáo thu nhập mạnh mẽ.
Dữ liệu mới cho thấy, chỉ số PMI sản xuất của Mỹ do ISM khảo trong tháng 7 đã giảm xuống mức 59,5 từ mức 60,6 vào tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Trước đó, giới chuyên gia dự báo con số này sẽ ở mức 60,9.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 gia tăng đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và cổ phiếu game đi xuống, sau khi truyền thông Trung Quốc gọi các trò chơi trực tuyến là “thuốc phiện tinh thần”.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,5% xuống 27.641,83 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,46% xuống 1.931,14 điểm.
Nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất game, trò chơi trực tuyến giảm mạnh với Nexon giảm 6,51%, DeNA giảm 3,88%, Konami Holdings giảm 2,26%, Bandai Namco Holdings giảm 1,51%, Sony Group trượt 0,91%, Nintendo, giảm 1,13%.
Trong khi đó, thị trường cũng chịu áp lực lớn bởi đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ năm, chủ yếu tại Tokyo, nơi hiện đang là địa điểm tổ chức Olympic với các ca mắc mới đã tăng lên mức kỷ lục 12.340 vào 31/7, và tiếp tục có thêm hơn 8.000 ca nhiễm vào ngày thứ Hai.
Điểm sáng hiếm hoi là M&A GCA, tăng vọt 28,54% sau khi ngân hàng đầu tư của Mỹ Houlihan Lokey đưa ra đề nghị mua lại công ty Nhật Bản.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, với nhóm cổ phiếu công nghệ đều lùi bước, do những lo ngại về các quy định chặt chẽ hơn từ Bắc Kinh.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,47% xuống 3.447,99 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip gần như không đổi ở 4.934,46 điểm.
Cổ phiếu công nghệ giảm mạnh, với chỉ số Shanghai STAR50 giảm 2,2%, trong khi chỉ số khởi nghiệp ChiNext tại Thâm Quyến giảm 1%. Chỉ số thiết bị bán dẫn & bán dẫn CSI All Shares giảm hơn 6%, khi có tin các cơ quan quản lý Trung Quốc mở cuộc điều tra đối với các nhà phân phối chip trong ngành công nghiệp ô tô.
Các công ty trò chơi trực tuyến của Trung Quốc, bao gồm Youzu Interactive và Perfect World Co bị bán mạnh, sau khi một phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi các trò chơi điện tử trực tuyến là “thuốc phiện tinh thần”, khiến các nhà đầu tư lo lắng rằng lĩnh vực này có thể là mục tiêu tiếp theo trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do đà đi xuống của cổ phiếu công nghệ, với Tencent Holdings lao dốc sau khi một báo cáo truyền thông làm dấy lên lo ngại về quy định chặt chẽ hơn đối với trò chơi trực tuyến.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,16% xuống là 26.194,82 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,17% xuống 9.320,38 điểm
Cổ phiếu lớn Tencent đã có thời điểm sụt giảm tới 10,8% sau khi Economic Information Daily gọi các trò chơi điện tử trực tuyến là "thuốc phiện tinh thần", khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng lĩnh vực này có thể là lĩnh vực tiếp theo trong tầm ngắm của các nhà quản lý.
Cổ phiếu Tencent đã thu hẹp đà giảm, đóng cửa mất 6,1%, sau khi tuyên bố sẽ hạn chế quyền truy cập của trẻ vị thành niên vào các trò chơi điện tử hàng đầu của mình.
Ở những nơi khác, Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc, nhà phát triển đang có khối nợ lớn nhất đã sụt giảm khoảng 8%, sau khi Moody's hạ bậc tín nhiệm và một đơn vị của Leo Group đã kiện Evergrande vì không trả phí quảng cáo.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ, nhờ các gã khổng lồ chip và các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, mặc dù đà tăng bị giới hạn bởi những lo ngại về biến thể Delta và tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,44% lên 3.237,14 điểm.
Dẫn đầu mức tăng là hai gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt tăng 2,65% và 3,45%.
Nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ thêm thị trường, khi quay trở lại mua ròng sau 5 phiên với giá trị 662,6 tỷ won (577,01 triệu USD).
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng lo mất quyền thu giữ tài sản đảm bảo
Khả năng thu hồi nợ của ngân hàng sẽ giảm mạnh, khách hàng chây ỳ trả nợ sẽ tăng lên từ ngày 15/8/2022, nếu không có một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu..>>
- Cơ hội trên thị trường chứng khoán còn rất lớn
Dưới góc nhìn của một số chuyên gia chứng khoán, các rủi ro từ dịch bệnh đã phản ánh vào giá cổ phiếu và định giá hiện nay được xem là không đắt, thậm chí còn rẻ nếu nhìn cho 6 - 12 tháng tới..>>
- Đo lường “bong bóng” chứng khoán
Các cuộc thảo luận về nguy cơ bong bóng chứng khoán đang trở nên phổ biến hơn, nhưng một số phương pháp tính toán cho thấy, thị trường hiện tại chưa thể “vỡ”..>>
- Tháng 7, tăng trưởng sản xuất của Mỹ hạ nhiệt tháng thứ hai liên tiếp
Hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 7, song ghi nhận tốc độ của chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận