Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tháng 6 mất hơn 4,5%
VN-Index mất thêm hơn 4 điểm; M&A để loại dần ngân hàng yếu kém; Ngành nước hấp dẫn nhiều “ông lớn”; Dồn dập thoái vốn nhà nước tại 124 doanh nghiệp trong năm 2020; Lãi, lỗ đan xen trong bức tranh 6 tháng doanh nghiệp niêm yết; Chứng khoán châu Á đồng loạt phục hồi; Thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn khó nhất trong năm...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 30/6 tăng 20.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán, hiện niêm yết ở mức 49,04 – 49,41 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 1,1 USD lên 1.772,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm xuống quanh 1.765 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 1,7 USD xuống 1.779,5 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,24% lên 97,77 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.229 đồng, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.120 - 23.300 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,77 USD (-1,94%), xuống 38,93 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,77 USD (-1,85%), xuống 40,94 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giảm phiên thứ 6 liên tiếp
Thị trường diễn ra sôi động trong khoảng 1 giờ đầu sau khi mở cửa và VN-Index có thời điểm đã tăng tới hơn 11 điểm, trước khi hạ nhiệt về cuối phiên.
Sau giờ nghỉ trưa, lệnh bán bất ngờ tăng mạnh, kéo VN-Index lao nhanh về mốc tham chiếu và thêm một nhịp xả trong đợt ATC đã đẩy VN-Index giảm thứ 6 liên tiếp.
Áp lực lớn khiến nhóm Vingroup hạ nhiệt nhanh, với VIC về tham chiếu; VRE -2,4% VHM chỉ còn tăng 2%.
Ngược lại, MSN, SAB, GAS, VCB, BID, CTG, VPB, MBB… đều giảm từ 1-3%, SBT -4%.
Tại nhóm cổ phiếu thị trường, FLC, ITA, HÀI, DHR, TCD, TSC giảm sàn. TNI, FIT, IDI, DIG… là các mã tăng hiếm hoi.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall phiên đầu tuần tăng điểm khi nhà đầu tư kỳ vọng vào nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn. Morgan Stanley cho rằng bơm thêm tiền mặt là biện pháp quan trọng để có đà hồi phục hình chữ V.
Bên cạnh đó, Thị trường đi lên nhờ cổ phiếu Boeing tăng vọt hơn 14% sau chuyến bay thử của 737 MAX.
Ngoài ra, thông tin hỗ trợ tích cực còn đến từ doanh số nhà chờ bán tại Mỹ trong tháng 5/2020 tăng 44,3% so với tháng 4/2020, theo Hiệp hội Nhà đất Mỹ. Doanh số nhà chờ bán như vậy cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng 15% trước đó.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã tăng, khi dữ liệu tích cực từ Mỹ và Trung Quốc đã giúp giới đầu tư đặt hy vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo sau quý hồi phục vừa qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,33% lên 22.288,14 điểm và trong quý II này đã tăng 17,82%.
Chỉ số Topix tăng 0,62% lên 1.558,77 điểm.
Thị trường Tokyo được thúc đẩy từ sớm nhờ phiên tăng khá tốt của phố Wall đêm qua, khi giới đầu tư hy vọng sự phục hồi kinh tế được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích và dữ liệu bán nhà của Mỹ cho thấy sự phục hồi nhanh.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường cũng chùng lại bởi những lo ngại về căng thẳng Trung-Mỹ sau khi Trung Quốc thông qua luật pháp an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất linh kiện máy bay niêm yết ở Tokyo đã tăng khá tốt, nhờ hiệu ứng cổ phiếu Boeing tăng 14%, với Jamco Corp tăng 4,62%, Toray Industries Inc tăng 2,55%.
Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng điểm, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,78% lên 2.984,67 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,32% lên 4.163,96 điểm.
Dẫn đầu đà tăng là nhóm cổ phiếu công nghệ với chỉ số khởi nghiệp ChiNext tăng 2,8% lên mức cao 4 năm.
Thị trường được củng bố bởi dữ liệu cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất của Trung Quốc (PMI) đạt 50,9 điểm vào tháng 6, so với mức 50,6 điểm trong tháng 5.
Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm, khi dữ liệu lạc quan của Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp những lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Thành phố về luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vửa thông qua.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,52% lên 24.427,19 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,01% lên 9.758,63 điểm.
Trong tháng 6, HSI tăng 6,4%, mức tốt nhất kể từ tháng 12/2019, trong khi HSCE tăng 2,1%.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng có sắc xanh nhờ các dữ liệu tích cực từ Mỹ và Trung Quốc.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,71% lên 2.108,33 điểm. Trong tháng 6, chỉ số này đã tăng 3,88% và tăng 20,2% trong quý vừa qua, xóa tất cả tổn thất do dịch Covid-19 gây ra trong quý I.
Các thông tin đáng chú ý khác
- M&A để loại dần ngân hàng yếu kém
Mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng được dự báo sẽ có chuyển biến trong năm 2020 khi hoạt động của ngành đang gặp khó khăn và đứng trước áp lực nâng tầm quản trị rủi ro..>>
- Ngành nước hấp dẫn nhiều “ông lớn”
Lĩnh vực kinh doanh nước sạch đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nhờ tỷ suất lợi nhuận khá cao, tiềm năng tăng trưởng tốt..>>
- Dồn dập thoái vốn nhà nước tại 124 doanh nghiệp trong năm 2020
Thủ tướng vừa phê duyệt danh mục thoái vốn hoặc chuyển giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện trong năm 2020 với các mốc 31/8, 30/11 và 31/12..>>
- Lãi, lỗ đan xen trong bức tranh 6 tháng doanh nghiệp niêm yết
Tình hình sản xuất - kinh doanh trong nửa đầu năm 2020 nhìn chung khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu phục hồi, thậm chí tăng trưởng so với cùng kỳ..>>
- Thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn khó nhất trong năm
Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư từ công ty phân tích CFRA cảnh báo thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong năm..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận