Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á nhiều nơi bị bán tháo
VN-Index đảo chiều giảm nhẹ; Ngân hàng miệt mài rao bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu; Gánh nặng chi phí đè lợi nhuận quý I nhiều doanh nghiệp; Dòng tiền mua chủ động trên thị trường chứng khoán; Thị trường chứng khoán “miễn nhiễm” với Covid; Chứng khoán châu Á bị bán mạnh; Gió đổi chiều trên thị trường thép thế giới… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/5 tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 120.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,88 – 56,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 5,3 USD lên 1.836 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giao dịch chậm lại, nhưng đã leo lên trên 1.840 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,10% xuống 90,12 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.145 đồng, giảm 17 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.960 - 23.160 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,44 USD (-0,68%), xuống 64,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent) giảm 0,47 USD (-0,69%), xuống 67,85 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index đảo chiều nhanh trong phiên chiều
Trong phiên sáng, thị trường leo nhanh lên 1.265 điểm, nhưng sau đó chủ yếu dao động giằng co quanh ngưỡng này do áp lực phân hóa ngày một cao ở nhóm bluechip.
Trong phiên chiều, sau ít phút thăng hoa đưa chỉ số lên nhanh vùng 1.275 điểm, thì áp lực bán xả hàng đột ngột xuất hiện, khiến thị trường lao dốc nhanh và về dưới tham chiếu khi đóng cửa.
Một số nhà đầu tư cho rằng, lực bán mạnh cuối phiên hôm nay là do ảnh hưởng từ thông tin Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm một số nội dung trong hoạt động, đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao như: Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng chứng khoán, bất động sản, BOT giao thông, cho vay tiêu dùng…
Bị bán mạnh, rổ VN30 có 21 mã giảm, các mã VRE, HDB, CTB giảm hơn 2%, REE giảm hơn 3%, còn lại đa phần giảm hơn 1%. VNM sau phiên tăng trần hôm qua thì phiên này giảm 1,9%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS giữ vững mức giá trần với 28,9 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã FLC, HQC, ITA, HNG, LDG… cũng tăng điểm, khớp lệnh từ 5-22 triệu đơn vị.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Hai (10/5), khi các nhà đầu tư bắt đầu tỏ ra lo lắng trước lạm phát và mức định giá cao hiện tại của thị trường.
Cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng đã tăng mạnh vào thứ Sáu khi dữ liệu việc làm khiến lợi suất trái phiếu giảm đã bị bán tháo.
Theo đó, cổ phiếu của Facebook giảm 4,1%, trong khi công ty mẹ của Google là giảm 2,4%, Apple giảm 2,6%, Netflix giảm 3,4% và Tesla giảm 6,4%.
Mặt khác, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đêm qua tăng 2,5 điểm cơ bản, lên mức 1,601%.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản bị bán tháo, do chịu ảnh hưởng từ đà lao dốc của Nasdaq Composite trên phố Wall đêm qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,08% xuống 28.608,59 điểm. Chỉ số Topix mất 2,37% xuống 1.905,92 điểm.
Thêm thông tin đánh gục thị trường là việc dịch Covid-19 kéo dài đã làm tăng thêm tâm lý tiêu cực, đặc biệt sau khi một số thống đốc tỉnh gọi mở rộng quy mô vùng áp dụng tình trạng khẩn cấp, bao gồm các đô thị lớn như Tokyo và Osaka.
Cổ phiếu công nghệ chịu tác động mạnh nhất do các cổ phiếu cùng ngành trên phố Wall suy yếu, với SoftBank Group giảm 6,51%, Advantest mất 5,5%, Sumco giảm 5,4%.
Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, được củng cố bởi sự tăng trưởng của các công ty tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,4% lên 3.441,85 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,16% lên 5.023,06 điểm.
Dẫn đầu về mức tăng là chỉ số phụ theo dõi ngành và chăm sóc sức khỏe, lần lượt tăng 3,3% và 2%.
Nhà sản xuất rượu hàng đầu Kweichow Moutai tăng trở lại 4,3% sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng thông qua chương trình kết nối chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông.
Chứng khoán Hồng Kông cũng không tránh khỏi tác động từ phố Wall đêm qua và giảm mạnh.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,03% xuống 28.013,81 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,06% xuống 10.431,55 điểm.
Dẫn đầu đà giảm cũng là ngành công nghệ với chỉ số phụ theo dõi giảm tới 4,5%. Chỉ số này đã giảm hơn 30% so với mức cao kỷ lục được thiết lập vào ngày 18/2.
Hai gã khổng lồ công nghệ Tencent và Alibaba lần lượt mất 1,8% và 3,5%.
Cổ phiếu của gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan giảm 5,3%, và có thời điểm giảm tới 9,8% trong phiên. Chủ tịch Wang Xing của Meituan tuần trước đã đăng một bài thơ cổ trên Fanfou, một nền tảng truyền thông xã hội giống Twitter, khiến các nhà đầu tư suy đoán rằng, ông đang phàn nàn về cuộc đàn áp chống độc quyền đối với ngành công ty mà Bắc Kinh đang tiến hành.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng chịu tác động từ phố Wall, trong khi các nhà đầu tư cũng chờ đợi trong lo lắng về dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,23% xuống 3.209,43 điểm.
Các công ty lớn ngành chip Samsung Electronics và SK Hynix giảm 2,28% và 5%, trong khi gã khổng lồ internet Naver giảm 3,59%.
Đáng chú ý nhất là nhà sản xuất pin SK IE Technology Co Ltd (SKIET) đã chứng kiến cổ phiếu lao dốc gần 30%, sau khi ra mắt với mức giá gấp đôi trong đợt IPO trước đó.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng miệt mài rao bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu
2020 được xem là năm bán nợ xấu dồn dập của ngân hàng khi thời hạn tất toán trái phiếu VAMC đến hạn. Thế nhưng, việc bán tài sản thu hồi nợ của ngân hàng khó đẩy nhanh..>>
- Gánh nặng chi phí đè lợi nhuận quý I nhiều doanh nghiệp
Ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã thấm dần vào nhiều doanh nghiệp, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận vẫn sụt giảm do gánh nặng chi phí đầu vào..>>
- Dòng tiền mua chủ động trên thị trường chứng khoán
Thị trường tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại nhờ lực mua chủ động không phải là điều ngạc nhiên..>>
- Thị trường chứng khoán “miễn nhiễm” với Covid
Nỗi lo dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở trong nước đang hiện hữu, nhưng dường như không tác động nhiều đến diễn biến thị trường chứng khoán..>>
- Gió đổi chiều trên thị trường thép thế giới
Trung Quốc, quốc gia đóng góp trên 50% sản lượng thép toàn cầu đang cắt giảm mạnh sản lượng thép nhằm giảm phát thải khí carbon..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận