Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chật vật tìm hướng đi
VN-Index giảm nhẹ; Lợi nhuận ngân hàng và chuyện lãi vay cao; VinaCapital: Nhà đầu tư có thể sẽ hối hận vì quyết định rút tiền ra khỏi thị trường; Dòng thác vốn đổ vào ETF; Chứng khoán châu Á tiếp tục chịu sức ép; Các nhà khai thác quặng sắt lớn gặp khó khăn để tăng sản lượng... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/7 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,80 – 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 2,7 USD xuống 1.809,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm và về dưới 1.805 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,05% lên 93,02 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.211 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.930 - 23.130 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,80 USD (+1,19%), lên 68,00 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,87 USD (+1,25%), lên 70,22 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang ngay dưới mốc 30.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhảy vọt và leo lên gần 31.500 USD/BTC vào cuối giờ chiều.
Chứng khoán trong nước
VN-Index điều chỉnh nhẹ
Trong phiên sáng, VN-Index tiến lên chinh phục ngưỡng cản 1.280-1.290 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đứng ngoài, khiến VN-Index 3 lần bị đẩy xuống khi lên test lại ngưỡng 1.280 điểm, thanh khoản vẫn ở mức thấp.
Áp lực bán dần gia tăng trong phiên chiều, tuy không mạnh nhưng cũng đủ khiến VN-Index đảo chiều xuống dưới tham chiếu khi đóng cửa.
Nhóm trụ cột ngân hàng nhiều mã giảm như HDB - 3,6%, VIB -2,1%, VCB và CTG giảm 1,2%. Các mã STB, BID, ACB, VPB, EIB, SSB giảm dưới 1%.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, FIT bất ngờ được săn lùng và leo thẳng lên mức trần 14.450 đồng, khớp hơn 7,6 triệu đơn vị.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall lội ngược dòng tăng điểm trong ngày thứ Ba (20/7) khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc trước chuỗi báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan được công bố.
Mùa báo cáo quý II đạt được thành công rực rỡ cho đến hiện tại khi 91% trong số 56 công ty S&P 500 đã công bố kết quả có kết quả vượt kỳ vọng, Refinitiv cho biết.
Mức tăng trưởng về doanh thu của các công ty S&P 500 trong quý II cho đến nay đạt 72,9% so với cùng kỳ, một sự cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng 54% vào quý đầu tiên.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, chấm dứt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp nhờ lực cầu bắt đáy.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,58% lên 27.548,00 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,82% lên 1.904,41 điểm.
Góp phần tích cực là sự lạc quan về mùa báo cáo kết quả kinh doanh, nhờ Yaskawa Electric và Canon khởi sắc.
Đi ngược xu hướng, cổ phiếu Tama Home đã giảm 10,2% sau khi một phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Công ty xây dựng này đã cấm các nhân viên đã tiêm vắc-xin Covid-19 không được đến văn phòng và họ sẽ bị cho nghỉ không lương.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, với điểm nhấn là chỉ số ChiNext chuyên về công nghệ của Thâm Quyến đạt mức cao nhất trong sáu năm.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,73% lên 3.562,66 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,69% lên 5.144,04 điểm điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ bùng nổ, góp phần đưa chỉ số ChiNext của Thâm Quyến tăng gần 3% lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2015. Thị trường STAR tập trung vào công nghệ của Thượng Hải cũng đã tăng 2,8%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các quy định chặt chẽ hơn của Bắc Kinh tiếp tục đè nặng cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,13% xuống 27.224,58 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,34% xuống 9.831,02 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục chịu sức ép, sau khi Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết, đã triệu tập đại diện của Kuaishou, công cụ nhắn tin QQ của Tencent, Taobao của Alibaba và Weibo vì phát tán nội dung khiêu dâm liên quan đến trẻ em.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu của tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande giảm 1,8%, sau khi giảm 33% trong hai phiên trước đó, với những lo ngại tồn tại ngay cả sau khi một cơ quan quản lý nhà ở Trung Quốc gỡ bỏ lệnh đình chỉ bán hàng trước đó tại hai dự án khu dân cư của Evergrande.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm điểm phiên thứ tư liên tiếp, do lo ngại rằng các ca nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến có thể cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 16,79 điểm, tương đương -0,52% xuống 3.215,91 điểm.
Thị trường ít phản ứng với dữ liệu mới cho thấy, xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 7 đã tăng 32,8% lên 32,58 tỷ USD so cùng kỳ năm trước.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lợi nhuận ngân hàng và chuyện lãi vay cao
Những con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm khối ngân hàng dần công bố cho thấy vì sao sức ép hạ lãi suất vay ngày càng lớn..>>
- VinaCapital: Nhà đầu tư có thể sẽ hối hận vì quyết định rút tiền ra khỏi thị trường
Ngay khi đợt bùng phát COVID-19 được kiểm soát, thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi và các nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường có thể sẽ hối hận về quyết định hôm nay của mình..>>
- Dòng thác vốn đổ vào ETF
Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại Mỹ từ đầu năm 2021 đến nay thu hút được lượng tiền mới kỷ lục, 488,5 tỷ USD, sắp sửa phá vỡ mức kỷ lục cũ là 497 tỷ USD của cả năm 2020..>>
- Các nhà khai thác quặng sắt lớn gặp khó khăn để tăng sản lượng ngay cả khi nhu cầu tăng cao
Nguồn cung quặng sắt sẽ không tăng đáng kể trong những tháng tới khi các nhà sản xuất nguyên liệu thô sản xuất thép lớn nhất thế giới phải đối mặt với một loạt vấn đề từ thiếu lao động đến thời tiết xấu..>>
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận