Thị trường ổn định ngày mùng 5 Tết, thực phẩm tươi sống tăng nhẹ
Ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một số chợ dân sinh bán hàng trở lại. Tại hệ thống các siêu thị, giá cả khá ổn định, trong khi đó, tại một số chợ dân sinh, mặt hàng thực phẩm tươi sống có dấu hiệu tăng nhẹ.
Ngay từ mùng 4 Tết (28/1), tại Hà Nội, nhiều hệ thống siêu thị mở cửa, bán hàng trở lại như Hapromart, Co.op Mart, Big C. Ngoài ra, một số chuỗi hệ thống như siêu thị Aeon, cửa hàng tiện ích như Circle K, Family Mart, B’s mart,... mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Đến ngày mùng 5 Tết, khi người dân ở các tỉnh quay trở lại Hà Nội, tại các khu vực dân sinh, một số chợ truyền thống như chợ Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Yên Hòa,... cũng đã bắt đầu các hoạt động kinh doanh. Theo ghi nhận của Pv, thời điểm hiện tại, người tiêu dùng chủ yếu mua bổ sung các mặt hàng rau củ, thịt tươi.
Giá các mặt hàng trong siêu thị nhìn chung ổn định, tại các chợ truyền thống, giá một số thực phẩm tươi như thịt lợn có dấu hiệu tăng do giá lợn hơi tăng.
Cụ thể, trong ngày 29/1, giá lợn hơi tại Hà Nam và Hưng Yên giá cùng tăng ở mức 2.000 đ/kg đạt giá 86.000 đ/kg. Tại Bắc Giang, Thái Bình giá lợn đang được thu mua với mức 84.000 đ/kg.
Một số tỉnh phía bắc khác như Ninh Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định giá lợn hơi dao động trong khoảng từ 80.000 - 83.000đ/kg.
Theo đó, tại một số chợ dân sinh như Dịch Vọng Hậu, Đồng Xa, giá mặt hàng thịt lợn cũng ghi nhận mức tăng. Cụ thể, giá thịt lợn phổ biến ở mức: mông sấn 170.000-200.000đ/kg (miền Bắc), 130.000-140.000đ/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 150.000-170.000đ/kg (miền Nam) 200.000-250.000 đ/kg (miền Bắc); thịt bò thăn loại I từ 280.000-350.000đ/kg; giá gà ta lông 120.000-150.000đ/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg): 500.000 - 600.000đ/kg, cá trắm: 100.000-120.000đ/kg.
Đối với các loại, rau, củ, quả, trái cây, do đặc thù thời tiết mưa rét tại các tỉnh phía Bắc, giá vẫn tương đối cao so với ngày thường phổ biến ở mức: bắp cải 10.000 - 15.000 đ/kg, su hào: 8.000-10.000 đ/củ, xà lách: 15.000-20.000 đ/kg, cà chua: 15.000-20.000 đ/kg (tùy địa phương), khoai tây: 12.000-20.000 đ/kg, súp lơ: 12.000-20.000 đ/cây...
Tại các tỉnh miền Nam, giá ổn định. Giá các loại trái cây tăng nhẹ do nhu cầu đi lễ đầu năm: thanh long 50.000-65.000 đ/kg; cam canh 50.000-70.000 đ/kg; bưởi da xanh 70.000-90.000 đ/kg; xoài cát chu 50.000-65.000 đ/kg; dưa hấu 20.000-25.000đ/kg…
Theo đại diện Bộ Công Thương cho hay, trong ngày Mùng 5 Tết, tại các địa phương có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa sẽ hoạt động trở lại, lượng hàng sẽ nhiều hơn, các mặt hàng cũng sẽ đa dạng hơn.
“Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản, giá các mặt hàng này sẽ ở mức tương đương với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.” đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết thêm, năm nay, sức tiêu thụ của người dân tăng hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, do đã có sự chuẩn bị từ trước Tết nên không có tình trạng tăng giá bất thường.
“Trong dịp trước, trong và sau Tết, chúng tôi tham gia chương trình bình ổn giá cả thị trường với 16 điểm bán hàng bình ổn giá. Chúng tôi cũng chủ động xây dựng nguồn hàng dự trữ đối với 11 nhóm mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá, đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu như mặt hàng tiêu dùng, rau củ quả, thực phẩm tươi sống..., cung ứng ra thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với giá cả ổn định.” ông Vượng cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận