Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo tăng nhẹ, giá cà phê giảm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua từ ngày 1 đến 5/11, giá gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự tăng nhẹ trở lại.
Giá gạo trong nước tăng, giá lúa ổn định
Cụ thể, giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.800 đồng/kg, giá bình quân 9.571 đồng/kg, tăng 43 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.550 đồng/kg, giá bình quân 9.350 đồng/kg, tăng 33 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.350 đồng/kg, giá bình quân 9.100 đồng/kg, tăng 33 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 10.338 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá lúa vẫn giữ ổn định so với tuần trước. Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.600 đồng/kg, giá bình quân là 5.380 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.500 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, một vài loại lúa có sự tăng nhẹ 200 đồng/kg như: Đài thơm 8 là 7.500 đồng/kg, ST24 là 8.250 đồng/kg; một số loại giá vẫn giữ ổn định như: OM4900 là 7.500 đồng/kg, OM6976 là 6.500 đồng/kg…
Tại Kiên Giang, một số loại lúa cũng có giá tăng 200 đồng/kg như: IR50404 là 6.050 đồng/kg, OM 5451 là 6.100 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá các loại lúa vẫn giữ ổn định so với tuần trước, như OM5451 đạt 6.050 đồng/kg, IR50404 5.800 đồng/kg, Đài thơm 8 là 7.000 đồng/kg.
Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa không có biến động. Cụ thể, Jasmine là 6.700 đồng/kg, IR50404 là 5.700 đồng/kg.
Hiện các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai gieo sạ lúa Đông Xuân 2021-2022, ngành nông nghiệp các tỉnh định hướng nông dân sử dụng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn tốt đưa vào sản xuất nhằm giảm nguy cơ thiên tai gây hại vừa nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa tham gia thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022, Tiền Giang xuống giống trên 49.000 ha. Địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp thâm canh nhằm phấn đấu đạt năng suất bình quân 70,8 tạ/ha và sản lượng cả vụ khoảng 348.000 tấn lúa hàng hóa.
Nhằm giúp nông dân tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2021 – 2022 thắng lợi, đảm bảo an sinh xã hội và bù đắp những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chú trọng bố trí hợp lý lịch thời vụ sản xuất, khuyến cáo nông dân sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái: vùng ngọt, vùng Đồng Tháp Mười, vùng ngọt hóa Gò Công... Đồng thời, kiện toàn mạng lưới kênh mương thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phòng, chống hạn mặn bảo vệ cây trồng.
Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo, đây là khung lịch thời vụ chung cho các tiểu vùng. Dựa vào đó, các địa phương căn cứ tình hình rầy nâu di trú và thời tiết, thủy văn… xác định thời điểm xuống giống phù hợp bảo đảm giành thắng lợi vụ sản xuất Đông Xuân mới.
Thị trường nông sản thế giới biến động trái chiều
Trong khi giá gạo ở thị trường trong nước tăng nhẹ thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2021 do nguồn cung hạn chế và đồng rupee của Ấn Độ mạnh lên.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên từ 364-369 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 8/7, và tăng so với mức từ 363-367 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân xuất khẩu ở Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, cho biết: "Giá gạo xuất khẩu đang tăng lên để bù đắp ảnh hưởng của việc đồng nội tệ tăng giá". Đồng rupee ngày 3/11 tăng lên mức cao nhất trong một tháng, đã làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu lương thực ra nước ngoài.
Trong khi đó, nhu cầu thấp ảnh hưởng tiêu cực đến giá gạo của Thái Lan. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 382-384 USD/tấn trong ngày 4/11, giảm so với mức từ 385-406 USD/tấn vào tuần trước.
Giới thương nhân tại Bangkok cho hay nhu cầu trong nước thấp hơn khiến giá gạo trong nước và xuất khẩu giảm, qua đó thu hút sự quan tâm của các khách hàng nước ngoài. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, nước này xuất khẩu khoảng 3,82 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021.
Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm trong phiên 4/11 ở mức từ 430-435 USD/tấn, tăng so với mức từ 425-430 USD/tấn trong tuần trước đó.
Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Giá cả tăng cao do nông dân ở hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ Thu Đông". Đây là vụ thu hoạch cuối cùng trong năm, qua đó hạn chế nguồn cung gạo cho thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, giới thương nhân cho rằng giá gạo Việt Nam khó có thể tiếp tục tăng vì đã ở mức cao hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch cuối tuần 5/11, giá các mặt hàng nông sản đều giảm trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ), dẫn đầu là đậu tương.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 6,25 xu Mỹ (1,12%) xuống 5,53 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng giảm 7,25 xu Mỹ (0,94%) xuống 7,665 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 1/2022 giảm 17,25 xu Mỹ (1,41%) xuống 12,055 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã không công bố bất kỳ số liệu mới nào về hoạt động xuất khẩu nông sản trong ngày 5/11.
Còn tại Brazil, hoạt động trồng đậu tương tại bang Mato Grosso trong tuần này có thể hoàn thành 92-94% kế hoạch đề ra, tăng so với mức 83% của cùng kỳ năm trước và 92% của năm 2019. Đậu tương từ miền Trung Brazil sẽ chuyển đến các cảng vào cuối tháng 1/2022 và đầu tháng 2/2022. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu đậu tương của Mỹ từ nay cho đến cuối tháng 12/2021.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 6/11, giá cà phê Robusta đã có phiên giảm thứ 4 trong tuần này và các mức giảm đều khá mạnh. Trong khi đó, giá cà phê Arabica duy trì mức giảm nhẹ, còn giá cà phê Robusta cũng giảm theo biến động thị trường. Còn tại Việt Nam, giá cà phê giảm thêm 400 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 tiếp tục giảm mạnh 21 USD (0,95%), giao dịch ở mức 2.183 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng giảm 21 USD (0,97%), giao dịch ở mức 2.133 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao kỳ hạn trên sàn ICE Futures US - New York giảm mạnh. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 giảm 4,95 xu Mỹ (2,37%), giao dịch ở mức 203,65 xu Mỹ/lb. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 cũng giảm 4,95 xu Mỹ (2,34%), giao dịch ở mức 206,50 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Trong khi đó, giá cà phê ngày 6/11 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm, giao dịch quanh mức từ 39.800 - 40.700 đồng/kg. Vụ thu hoạch cà phê mới ở Tây Nguyên tiếp diễn ngay khi thời tiết tạm thời tạnh ráo. Tuy nhiên sự thiếu hụt nhân công thời vụ hiện vẫn là mối lo chính của người trồng cà phê. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu hoạch.
Tính đến giữa tháng 10, cả nước thu hoạch được 995,5 nghìn ha lúa mùa
Vụ lúa mùa năm 2021 cả nước gieo cấy được 1.558,8 nghìn ha, bằng 98,3% vụ mùa năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc đạt 1.040,9 nghìn ha, bằng 99,1% (giảm 9,3 nghìn ha); các địa phương phía Nam đạt 517,9 nghìn ha, bằng 96,7% (giảm 17,7 nghìn ha). Diện tích gieo cấy lúa vụ mùa năm nay giảm chủ yếu do các địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang trồng cây hằng năm khác hoặc cây lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc sang nuôi trồng thủy sản.
Tính đến trung tuần tháng 10, cả nước thu hoạch được 995,5 nghìn ha lúa mùa, chiếm 64,1% diện tích gieo cấy và bằng 96,4% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc thu hoạch được 698,7 nghìn ha, chiếm 67,1% và bằng 98%; các địa phương phía Nam thu hoạch được 296,8 nghìn ha, chiếm 57,3% và bằng 92,7%. Mặc dù thời tiết đầu vụ không thuận lợi, hạn hán trên diện rộng gây khó khăn cho việc gieo cấy nhưng trong quá trình cây lúa sinh trưởng và phát triển, nắng mưa xen kẽ nguồn nước được bảo đảm, cây lúa đẻ nhánh nhanh và đồng đều, công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng kịp thời nên ước tính năng suất lúa mùa năm nay đạt 51,5 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với năm trước. Tuy nhiên, do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng lúa mùa năm nay ước tính đạt 8,03 triệu tấn, giảm 73,5 nghìn tấn so với vụ mùa trước.
Cùng với chăm sóc và thu hoạch lúa mùa, các địa phương trên cả nước hoàn thành sản xuất lúa hè thu với diện tích gieo trồng đạt 1.954 nghìn ha, tăng 8,9 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2020. Thời tiết vụ hè thu năm nay cơ bản thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển nên năng suất đã tăng trở lại với 56,5 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ hè thu trước; sản lượng đạt 11,04 triệu tấn, tăng 282,8 nghìn tấn. Trong đó, một số địa phương ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung có diện tích và sản lượng lúa hè thu tăng: Khánh Hoà diện tích tăng 11,2 nghìn ha và sản lượng tăng 66,7 nghìn tấn; Bình Định tăng 3,2 nghìn ha và tăng 20,7 nghìn tấn; Quảng Ngãi tăng 2,7 nghìn ha và tăng 15,3 nghìn tấn…
Đến giữa tháng 10, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 672 nghìn ha lúa thu đông, bằng cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch 272,7 nghìn ha, chiếm 40,6% diện tích gieo cấy và bằng 91,4% cùng kỳ năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận