Thị trường mua bán sáp nhập 2019: Khối ngoại chạy đua đổ vốn vào Việt Nam
“Đường đua” đưa dòng vốn vào thị trường Việt Nam qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn giữa “tứ đại gia” đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản.
Hàn Quốc tăng tốc
Theo Báo cáo M&A thị trường Việt Nam năm 2018 - 2019 do Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) thực hiện, trong Top 10 thương vụ M&A có quy mô lớn nhất thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đóng vai trò chủ đạo, áp đảo.
Điển hình nhất là SK Group. Tháng 3/2019, SK Group đã chi 1 tỷ USD mua 6,1% cổ phần của Tập đoàn Vingroup. Trước đó, tháng 9/2018, SK đã bỏ ra 470 triệu USD để mua lại gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Masan.
Mới đây, SK bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Năm ngoái, tập đoàn này đã mua 3,55 triệu cổ phần, tương đương 5% cổ phần, trở thành cổ đông lớn của PVOIL.
Cũng trong năm 2018, Vingroup đã chào bán lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 400 triệu USD cho một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là Hanwha. Như vậy, chỉ riêng các thương vụ giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc với Vingroup đã lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn 7/2018 - 7/2019.
Chưa hết, đầu năm 2019, Shinhan Card đã mua lại toàn bộ Công ty Tài chính Prudential Việt Nam, với giá trị ước tính 151 triệu USD. Hay như trường hợp Samsung SDS đã cam kết mua 25% cổ phần của CMC, trong khi Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Samsung đang đàm phán với Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt để mua một phần cổ phiếu…
Theo Hiệp hội Tài chính Hàn Quốc (KOFIA), tính đến tháng 5/2019, các quỹ tài chính của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 3,5 tỷ USD, gấp 13 lần so với 4 năm trước đó.
Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, xu hướng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang được chuyển dịch đa ngành nghề, chứ không chỉ tập trung vào may mặc, sản xuất.
“Ngựa ô” Hồng Kông
Trong cuộc đua rót vốn năm 2018 - 2019 của các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam, thì Hồng Kông là “tân binh” gây đột biến. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hồng Kông dẫn đầu danh sách vốn đầu tư vào Việt Nam, với 5,3 tỷ USD. Đặc biệt, Beerco Limited (Hồng Kông) chi 3,85 tỷ USD mua cổ phần của Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sở hữu trực tiếp hơn 53% vốn của Sabeco).
Ngoài dự án “khủng” nhất năm, Hồng Kông còn có Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện, thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do
Goertek (Hongkong) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; Dự án Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD; Dự án Chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR với vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh; Dự án Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment Co., Ltd đầu tư tại Tiền Giang...
Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, ngoài sự dịch chuyển dòng vốn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thì việc Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA) có hiệu lực từ ngày 11/6/2019 đã tác động tích cực lên nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra, các doanh nghiệp Hồng Kông đang tìm kiếm mở rộng cơ hội đầu tư và hiệp định này mở ra nhiều cơ hội hơn nữa tại Đông Nam Á, đẩy mạnh dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông. Quan hệ hợp tác song phương giữa Hồng Kông và Việt Nam phát triển ổn định trong những năm qua và việc thực hiện hiệp định mới này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Singapore, Nhật Bản cùng bứt tốc
Singapore vẫn tiếp tục duy trì vị trí Top 3 trên đường đua, với với tổng giá trị M&A năm 2018 - 2019 đạt mức 1,6 tỷ USD.
Nổi bật nhất trong những cái tên đến từ Singapore là Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore với hàng loạt thương vụ có quy mô hàng trăm triệu USD trong thời gian gần đây. Tháng 4/2018, GIC đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án.
Cuối năm 2018, GIC chi 101 triệu USD mua thêm 27,4 triệu cổ phiếu Masan. Giữa tháng 10/2018, quỹ này đã mua 24,5 triệu cổ phiếu MSN với giá trị 2.187 tỷ đồng (95 triệu USD)… GIC tham gia từ rất sớm và là nhà đầu tư lớn nhất trong các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietjet Air, Vinhomes, Techcombank, Vietcombank, FPT, PAN Group, Vinasun...
Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn của Singapore, như Keppel Land, CapitaLand, Mapletree... cũng đã và đang thực hiện hàng loạt thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Ngoài ra, Singapore đã đầu tư vào 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đứng thứ nhất, với 574 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20,17 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư.
Ông Douglas Foo, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Singapore cho biết: “Việt Nam đang dần trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại châu Á. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore, nhất là đối với các ngành như điện tử dân dụng, may mặc, sản xuất lương thực, cung ứng các dịch vụ phụ trợ như tự động hóa và logistics”.
Cùng với Singapore, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng có sự tăng tốc mạnh mẽ. Nếu như trước đây, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm và thực hiện nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng, thì năm 2018 - 2019, họ chuyển khẩu vị sang bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn Sumitomo cùng với Tập đoàn BRG của Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD; Tập đoàn Phát Đạt đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd (công ty con trực thuộc Samty Corporation) và một công ty phát triển bất động sản của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP; Tập đoàn Aeon đang đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị với tổng vốn hơn 1 tỷ USD; Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad hợp tác với Nam Long phát triển Dự án Akari City với tổng vốn đầu tư 7.676 tỷ đồng… Các quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo liên tục thực hiện các thương vụ M&A với các doanh nghiệp bất động sản Việt.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A trong các lĩnh vực khác, như Mitsui & Co đã thỏa thuận với Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú để mua 35,1% vốn chủ sở hữu của Minh Phú; Taisho đã chi thêm 3.400 tỷ đồng (khoảng 147,8 triệu USD) để mua gần 67% cổ phần của Dược phẩm Hậu Giang…
Theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản, bên cạnh lĩnh vực bán lẻ, thì những lĩnh vực phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác sẽ là xu hướng đầu tư chính của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Cơ hội chia đều cho tất cả
Dù có sự tăng tốc đột ngột như trong nhóm “tứ đại gia” M&A hay “chùn chân” như Thái Lan (không còn nằm trong nhóm “tứ đại gia” M&A), nhưng thị trường Việt Nam luôn là một mỏ vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài và nhóm dẫn đầu sẽ luôn có sự đổi ngôi đầy bất ngờ.
Với dân số sẽ sớm đạt mốc 100 triệu dân trong thời gian ngắn, tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thị trường Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư đánh giá là thị trường hấp dẫn.
Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động này trong giai đoạn tới.
“Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư từ châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Thị trường cũng đang chứng kiến xu hướng đầu tư từ Hồng Kông tại một số ngành, lĩnh vực. Giai đoạn tới có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF nhận định.
Còn theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), xu hướng M&A ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thu hút vốn FDI là rất tích cực bởi nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần, doanh nghiệp, dự án đều là “tiền tươi, thóc thật”, là vốn thực, chứ không phải là “vốn đăng ký”.
“Xu hướng này cũng nói lên 3 điều: chúng ta có hàng để nhà đầu tư nước ngoài mua, doanh nghiệp nội đủ mạnh để doanh nghiệp ngoại thực hiện M&A và môi trường đầu tư của chúng ta hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhận xét.
Có thể thấy rằng, ở khía cạnh là bên mua, các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm ưu thế áp đảo, còn các doanh nghiệp Việt Nam hiện giữ vai trò thụ động là bên bán. Tuy nhiên, với nhiều tín hiệu khả quan, đặc biệt là sự trỗi dậy của hàng loạt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gần đây, rất có thể, chúng ta sẽ chứng kiến xu thế đảo ngược khi các doanh nghiệp Việt Nam giữ vai trò bên bán, nắm thế chủ động trên thị trường M&A trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận