Thị trường không ổn định, cá tra đối mặt với 'khủng hoàng thừa'
Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng đột biến, giá cá tra nguyên liệu cũng đã trở về thời ‘hoàng kim’, người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều phán khởi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đua ra cảnh báo ngành hàng này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu ồ ạt mở rộng sản xuất.
Giá cá tăng kỷ lục
Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với những tín hiệu tích cực từ thị trường, tính đến hết quý I, xuất khẩu cá tra đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 27% giá trị xuất khẩu của ngành thuỷ sản.
Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 120% so với cùng kỳ năm trước. Hiên, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù từ đầu năm 2022, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đã đặt ra nhiều quy định về kiểm soát nhập khẩu nhưng xuất khẩu cá tra vào thị trường này vẫn tăng trưởng 240% .
Thị trường Châu Âu sau 2 năm liên tiếp sụt giảm, nay thị trường này cũng đang tăng sản lượng nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Theo nhận định của VASEP, xuất khẩu cá tra sang EU có thể sẽ tăng mạnh, lý do là vì các quốc gia EU đang xem xét để ban hành lệnh cấm nhập khẩu cá minh thái từ Nga (loại cá thịt trắng như cá tra). Nếu quyết định cấm nhập cá minh thái có xuất xứ từ Nga được ban hành thì cá tra sẽ là sản phẩm có cơ hội thay thế, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng mạnh.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường nhập khẩu cá tra phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó Trung Quốc chiếm 31%, Mỹ 23%, các nước đối tác tham gia Hiệp định CPTPP chiếm 13% và EU là 6,6%.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), cho biết, nhờ xuất khẩu thuận lợi, giá cá tra hiện đã tăng lên mức kỷ lục, 32.000 -33.000 đồng/kg cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX thủy sản Thới An (Cần Thơ), nguyên nhân giá cá tra tăng cao ngoài yếu tố thuận lợi của thị trường thì còn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá cá sụt giảm mạnh trong năm 2021, nhiều hộ phải ‘treo ao’ nên tại thời điểm này đã xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng tình trạng thiếu cá nguyên liệu sẽ được khắc phục trong 1-2 tháng tới vì hiện nay diện tích thả nuôi mới đang phát triển ồ ạt.
VINAPA khuyến cáo doanh nghiệp chế biến đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến sâu nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng. Ảnh An Hòa
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Hiện nay nhiều quốc gia như Indonesia, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ đã bắt đầu phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Do đó, cá tra Việt Nam không còn “một mình, một chợ’ như cách đây khoảng 5 năm.
Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) đưa ra cảnh báo, giá cá tra tăng như hiện nay chỉ là ngắn hạn, thị trường chưa ổn định. Nếu người nuôi ồ ạt mở rộng diện tích nuôi mà không liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì nguy cơ ngành cá tra sẽ lại rơi vào “khủng hoảng thừa”, giá giảm mạnh, người nuôi thua lỗ nặng như đã từng xảy ra.
Đồng quan điểm đó, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) Dương Nghĩa Quốc cho rằng, với đà xuất khẩu thuận lợi, nhu cầu mở rộng sản xuất là yêu cầu tất yếu, tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất phải gắn liền với chuỗi liên kết để tránh rủi ro đáng tiếc khi “thừa hàng, dội chợ”.
Cũng theo ông Quốc, với chiến lược phát triển sản xuất bền vững, VINAPA không khuyến khích hội viên tăng quy mô sản xuất, tăng sản lượng mà khuyến cáo các hội viên tập trung xây dựng vùng nuôi đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm toàn cầu; đối với doanh nghiệp chế biến.
VINAPA cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên nghiên cứu chế biến sâu, chế biến biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần tập trung nghiên cứu chế biến các phế phẩm, phụ phẩm để cho ra đời các sản phẩm giá trị gia tăng, nhằm nâng cao chuỗi giá trị, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho ngành hàng này.
Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu trong năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận