Thị trường hàng hóa tuần từ 9-19/10: Đa số giảm giá
Ngoại trừ nikel, cao su hay đường tăng giá nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng, đa phần các mặt hàng còn lại như vàng, đồng, quặng sắt, dầu hay nông sản đều giảm giá.
Năng lượng: Giá dầu Brent và khí đốt tiếp tục giảm
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/10, giá dầu thô của Mỹ (WTI) giảm 0,05 USD (-0,1%) xuống 40,83 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 0,31 USD (-0,7%) xuống 42,62 USD/thùng. Tính từ 9-19/10, trong khi dầu WTI tăng 0,57%, thì dầu Brent giảm 0,53%.
Trong tuần trước, giá dầu Brent tăng 0,2% và dầu thô Mỹ (WTI) tăng 0,7%, sau khi tồn trữ dầu thô và sản phẩm dầu tại Mỹ - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - giảm.
Giá dầu thế giới giảm sau khi tăng trưởng kinh tế quý III/2020 của Trung Quốc giảm hơn so với dự kiến, bên cạnh đó là lo ngại các trường hợp mắc Covid-19 gia tăng trên toàn cầu tác động đến nhu cầu ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này.
Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 4,9% trong quý III/2020, giảm so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 5,2%. Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đã giảm hoạt động lọc dầu trong tháng 9/2020. Hoạt động mua dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại trong quý IV/2020 do tồn kho cao và hạn ngạch nhập khẩu hạn chế đối với các nhà máy lọc dầu độc lập.
Trong khi đó, cuộc họp tuần trước của Ủy ban Kỹ thuật hỗn hợp OPEC + đã báo cáo triển vọng nhu cầu nhiên liệu ảm đạm do lo ngại đại dịch kéo dài và sự gia tăng sản lượng của Libya có thể đẩy thị trường dầu mỏ vào tình trạng dư thừa trong năm tới.
Các nhà phân tích của ING cho biết, ngày càng có nhiều lời kêu gọi OPEC + hủy bỏ kế hoạch nới lỏng cắt giảm sản lượng hiện tại. Tuy nhiên, thị trường có thể phải đợi đến cuộc họp OPEC + tiếp theo vào ngày 30/11/2020 và ngày 1/12/2020 để đưa ra bất kỳ quyết định cụ thể nào.
Các công ty năng lượng của Mỹ - nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới - tuần trước đã bổ sung nhiều giàn khoan dầu và khí tự nhiên nhất kể từ tháng 1/2020, khi các nhà sản xuất quay trở lại hoạt động và giá dầu thô dao động khoảng 40 USD/thùng trong vài tháng qua.
Giá khí tự nhiên giảm 0,2 US cent, tương đương 0,1% xuống 2,773 USD/mmBTU trong phiên 16/10 và tính đến cuối phiên 19/10 giảm hơn 1% do sản lượng tăng cao sau cơn bão Delta, làm lu mờ các yếu tố hỗ trợ như dự báo thời tiết mát mẻ hơn, nhu cầu sưởi ấm tăng cao và sự gia tăng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 87,4 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào thứ năm (18/10) từ mức thấp nhất trong 26 tháng là 82,4 bcfd vào cuối tuần qua khi các công ty của Delta đóng cửa trở lại.
Khi xuất khẩu LNG tăng và thời tiết lạnh hơn, Refinitiv dự báo nhu cầu trung bình sẽ tăng từ 85,1 bcfd trong tuần này lên 90,3 bcfd vào tuần tới và 98,0 bcfd trong hai tuần sau đó.
Khối lượng khí đến các nhà máy xuất khẩu LNG cho đến nay đã đạt trung bình 6,8 bcfd trong tháng 10/2020, tăng từ 5,7 bcfd trong tháng 9/2020, bất chấp các đợt bão và ngừng bảo dưỡng hồi đầu tháng 10.
Kim loại: Giá nickel đạt mức cao nhất 11 tháng
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 3,5 USD lên 1.903,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm nhanh xuống gần 1.896 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 11 trên sàn Comex New York giảm 8,2 USD xuống 1.899,5 USD/ounce.
Giá vàng thế giới ngày 19/10 hồi phục nhẹ và lấy lại mốc 1.900 USD/ounce nhờ đồng USD và chứng khoán yếu đi. Mặc dù vậy, theo giới phân tích, sự quan tâm đến vàng gần đây đã giảm mạnh khi giá kim loại quý này liên tục mắc kẹt quanh mức 1.900 USD/ounce và chưa thể thoát ra, ít nhất là cho tới khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới. Tính từ 9-19/10, giá vàng giảm gần 1,7%. Song tính từ đầu năm đến nay, vàng vẫn tăng hơn 25%.
Giá nickel tăng lên mức cao nhất 11 tháng trong phiên 19/10. Cụ thể, trên sàn London, giá nickel giao sau 3 tháng đóng cửa tăng 0,2% lên 15.685 USD/tấn, trước đó đã đạt 15.815 USD – mức cao nhất kể từ tháng 11/2019.
Nikel bật tăng do nhu cầu từ các nhà máy thép không gỉ được dự báo sẽ tăng mạnh, trong khi các kim loại công nghiệp được hỗ trợ bởi đồng USD giảm giá và tăng trưởng mạnh từ nước tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc. Giá nickel cao cũng do việc trì hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất ở Indonesia cho đến năm tới.
Theo Tổ chức Nghiên cứu nickel thế giới (INSG), nhu cầu nickel trên toàn cầu dự đoán ở mức 2,52 triệu tấn trong năm 2021 từ mức 2,32 triệu tấn trong năm nay và cho rằng sản lượng nickel dư thừa khoảng 117.00 tấn trong năm nay và 68.000 tấn trong năm tới.
Các kim loại cơ bản được hỗ trợ bởi GDP của Trung Quốc tăng 4,9% trong quý 3, thấp hơn mức dự đoán nhưng cao hơn mức 3,2% trong quý 2. Sản xuất công nghiệp, yếu tố quan trọng cho nhu cầu kim loại trong tháng 9 tăng 6,9% so với cùng tháng năm trước từ mức 5,6% trong tháng 8.
Giá đồng tại London ngày 19/10 giảm do các trường hợp nhiễm Covid-19 tại châu Âu tăng và nghi ngờ về các thỏa thuận kích thích của Mỹ, từ đó dấy lên mối lo ngại về sự phục hồi bền vững của nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, trên sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng giảm 0,4% xuống 6.752,5 USD/tấn, trong khi giá đồng kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 0,1% xuống 51.260 CNY (7.664,59 USD)/tấn.
Tương tự, giá chì trên sàn Thượng Hải giảm 1,4% xuống 14.180 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 24/6/2020 và giá chì trên sàn London giảm 0,5% xuống 1.751 USD/tấn.
Với quặng sắt, hợp đồng giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch kỳ hạn Đại Liên giảm khoảng 1,9% xuống 769,5 CNY/tấn (114,86 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 29/9, trước khi đóng cửa giảm 0,4% xuống 781 CNY/tấn.
Trên sàn giao dịch Singapore, giá mặt hàng này mở cửa giảm giá, trước khi đóng cửa tăng 0,2% lên 115,14 USD/tấn.
Hợp đồng quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần do triển vọng ảm đạm về nhu cầu thép trong nước trong mùa đông và tồn kho ở các cảng của Trung Quốc ngày càng tăng. Theo công ty tư vấn SteelHome, số lượng quặng sắt đã nhập khẩu chứa ở các cảng của Trung Quốc tăng lên mức cao mới sau 7 tháng, đạt 124,5 triệu tấn trong tuần trước.
Với thép, mặt hàng thép thanh dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 0,1%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,6%, còn thép không gỉ tăng 0,8%.
Trong bối cảnh dự trữ nguyên liệu thô để sản xuất thép ngày càng tăng ở Trung Quốc, nhu cầu sản phẩm thép nội địa được cho là sẽ suy yếu trong mùa đông này khi hoạt động xây dựng chậm lại. Được biết, sản thượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 92,56 triệu tấn.
Nông sản: Biến động trái chiều
Cuối ngày 19/10, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, tốc độ vụ thu hoạch của nước này chậm hơn so với kỳ vọng thị trường. Cụ thể, Mỹ đã thu hoạch 75% diện tích trồng đậu tương, cao hơn mức trung bình 5 năm (58%), song vẫn thấp hơn ước tính trung bình của các nhà phân tích (79%). Tương tự, diện tích trồng ngô đã thu hoạch là 60%, cao hơn mức trung bình 5 năm (43%) và cao hơn ước tính (57%) của các nhà phân tích.
Thông tin trên đã tác động tới giá nông sản. Theo đó, trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 0,1% lên mức 10,55 USD/bushel, đóng cửa phiên trước đó tăng 0,4%.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 0,3% xuống 4,04-1/4 USD/bushel, đóng cửa phiên trước đó tăng 0,8%.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2020 thay đổi nhẹ ở mức 6,26-3/4 USD/bushel, đóng cửa phiên trước đó giảm 0,3% xuống 6,36-3/4 USD/bushel, nhưng là mức cao nhất gần 6 năm.
Tính chung từ 9-19/10, giá lúa mì và ngô lần lượt tăng 5,6% và 2,59%, trong khi đậu tương giảm hơn 1%.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 64 ringgit/tấn, tương đương 2,23% xuống 2.806 ringgit/tấn (676,96 USD)/tấn, trong đầu phiên giá chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/10/2020 và giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong 4 phiên gần nhất.
Đà giảm của giá dầu cọ theo xu hướng giảm mạnh của giá dầu đậu tương trên sàn Đại Liên và sàn Chicago với nhu cầu từ nước mua hàng đầu Ấn Độ chậm lại, dấy lên mối lo ngại về xuất khẩu dầu thực vật. Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 2%, giá dầu cọ giảm 3%. Giá dầu đậu tương trên sàn Chicago giảm 1,27%.
Nguyên liệu công nghiệp: Cao su và đường cùng bật tăng, cà phê lệch pha
Tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 19/10 kỳ hạn tháng 3/2021 tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức 206,1 JPY/kg (1,95 USD)/kg, tăng 1% so với phiên trước đó và là mức cao nhất kể từ ngày 17/1/2020. Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại gián đoạn nguồn cung tại nước sản xuất hàng đầu Thái Lan và kỳ vọng nhu cầu ổn định hơn tại nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc.
Trên sàn Thượng Hải giảm, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 20 CNY/tấn xuống mức 14.090 CNY/tấn (2.110 USD)/tấn, qua đó ngắt đà tăng 7 ngày liên tiếp và tuột khỏi mức cao nhất kể từ tháng 1/2018 đạt được trong phiên trước đó. Dẫu vậy, tính từ 9-19/10, giá cao su kỳ hạn này đã tăng tổng cộng hơn 8%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn SICOM tăng 0,3% so với phiên 18/10 lên mức 153,6 US cent/kg, tính tổng 10 ngày qua tăng xấp xỉ 7%.
Tương tự, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 ngày 19/10 cũng tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 26/2/2020 lên mức 14,72 US cent/lb, tức tăng 0,29 US cent/lb hay 2%. Đường trắng kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 7,2 USD/tấn hay 1,8% lên mức 403,2 USD/tấn.
Giá đường được hỗ trợ bởi Ấn Độ không có thông báo về trợ cấp xuất khẩu cho niên vụ 2020/21. Quốc gia này đã xuất khẩu kỷ lục 5,84 triệu tấn đường trong niên vụ 2019/20, mức trợ cấp xuất khẩu tương đương 6-7 US cent/lb. Ấn Độ cần xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong niên vụ 2020/21 bắt đầu từ 1/10 do sản lượng có thể tăng bởi diện tích trồng trọt tăng lên.
Trong khi đó, giá cà phê diễn biến lệch pha khi cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 1,2 US cent/lb hay 1,1% xuống mức 1,0605 USD/lb - thấp nhất kể từ ngày 2/10, còn cà phê Robusta kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 8 USD/tấn hay 0,6% lên mức 1.305 USD/tấn.
Nhu cầu cà phê Arabica vẫn hạn chế do việc chậm mở cửa lại các quán cà phê và nhà hàng, trong khi doanh số từ Brazil vẫn lớn do đồng real yếu và giá từ Trung Mỹ đang tăng. Tính chung từ 9-19/10, cà phê Arabica đã giảm hơn 5%, còn cà phê Robusta tăng gần 1,6%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận