Thị trường hàng hóa tuần từ 5-12/11: Dầu, than, sắt thép vẫn giảm, vàng cùng nông sản bật mạnh
Kết thúc tuần giao dịch từ 5-12/11, trong khi giá dầu, than, sắt thép tiếp tục giảm giá thì hầu hết các mặt hàng khác đều tăng, trong đó vàng và nông sản đều bật mạnh
Năng lượng: Giá dầu và than giảm tuần thứ 3, khí LNG đảo chiều tăng mạnh
Giá dầu thế giới vừa trải qua tuần giảm thứ 3 liên tiếp do USD mạnh lên và được đồn đoán rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể giải phóng dầu từ Cục Dự trữ dầu chiến lược Mỹ để hạ nhiệt giá năng lượng.
Cụ thể, kết thúc phiên 12/11, dầu thô Brent giảm 70 US cent (-0,8%) xuống 82,17 USD/thùng; dầu thô Tây Texas (WTI) giảm 80 cent (-1%) xuống 80,79 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 0,7%, còn dầu WTI giảm 0,6%.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm hồi đầu tuần cho biết, Tổng thống Biden có thể sớm hành động để giải quyết tình trạng giá xăng dầu tăng vọt. Chuyên gia của Rystad Energy cũng nhấn mạnh, lãi suất cao hơn sẽ cung cấp hỗ trợ nhiều hơn nữa cho USD, song lại gây nhiều áp lực giảm lên giá dầu.
Các công ty năng lượng Mỹ đã tăng thêm số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ ba liên tiếp. Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho hay, số giàn khoan tại Mỹ (một chỉ số ban đầu về sản lượng trong tương lai) đã tăng thêm 6 giàn lên 556 giàn trong tuần tính đến ngày 12/11/2021 - mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 đến nay.
Một thông tin khác được thị trường chú ý là Rosneft của Nga - công ty dầu mỏ lớn thứ hai thế giới về sản lượng (chỉ xếp sau Saudi Aramco), hôm 12/11 đã cảnh báo về một “siêu chu kỳ” tiềm năng trên thị trường năng lượng toàn cầu, làm tăng kỳ vọng giá dầu sẽ còn lên cao hơn khi nhu cầu vượt xa nguồn cung. Tuy nhiên, chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn cùng mùa đông Bắc bán cầu sắp đến sẽ hạn chế bớt sự hào hứng trên thị trường năng lượng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng trước, do giá năng lượng cao hạn chế đà phục hồi từ đại dịch. Đầu tháng 11 này, OPEC, Nga và các nhà sản xuất lớn ngoài khối khác (còn được gọi là nhóm OPEC+) đã nhất trí triển khai kế hoạch bổ sung 400.000 thùng dầu/ngày/tháng.
Giá than phiên kết thúc tuần giao dịch vừa qua cũng giảm, với than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 4,9%, trong khi than cốc giảm 2,9% trong phiên 12/11 so với phiên liền trước.
Giá than kỳ hạn tương lai ở Trung Quốc vừa trải qua chuỗi giảm giá dài nhất kể từ năm 2015, sau khi Bắc Kinh nỗ lực hạ nhiệt thị trường than bằng việc tăng sản lượng và điều chỉnh giá để giảm bớt tình trạng thiếu điện.
Tuy vậy, giá than vẫn ở mức cao do nguồn cung mặt hàng này còn khan hiếm, nhất là cung hàng thực, thể hiện qua việc giá than cốc kỳ hạn giao ngay cao hơn khoảng 1.100 CNY/tấn so với kỳ hạn giao tháng 1/2022, trong khi than luyện cốc giao ngay cao hơn khoảng vài trăm nhân dân tệ so với kỳ hạn tháng 1/2021, dữ liệu từ Huatai Futures cho biết.
Giá than tại Trung Quốc năm nay đã tăng mạnh do việc ngừng nhập khẩu than Úc và giá LNG tăng vọt trên toàn cầu. Việc giá than tăng mạnh buộc nhiều nhà máy điện than tại Trung Quốc tuyên bố tạm ngưng hoạt động để “bảo trì”, nhưng thực chất là để hạn chế lỗ, khiến tình trạng thiếu điện bùng phát. Điện than chiếm tới hơn 60% tổng nguồn cung điện tại Trung Quốc.
Ngược lại, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường châu Á tuần qua đảo chiều tăng mạnh sau 3 tuần liên tục giảm trước đó do nhu cầu tăng ở Trung Quốc bởi nhiệt độ giảm mạnh. Các nhà phân phối khí đốt đang tập trung sự chú ý vào nguồn cung khí của Nga cho thị trường châu Âu.
Cụ thể, giá LNG trung bình kỳ hạn tháng 12/2021 tại khu vực Đông Bắc Á kết thúc phiên 12/11 tăng lên mức 31,5 USD/mmBtu (tăng 2 USD, tương đương 6,8%) so với tuần trước đó.
Kim loại: Vàng tăng cao nhất 6 tháng, sắt thép tiếp tục giảm
Cụ thể, phiên cuối tuần 12/11, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.866,87 USD/ounce và cả tuần tăng 2,8% - cao nhất trong 6 tháng qua; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,3% lên 1.868,5 USD/ounce và cả tuần tăng 2,85%.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 25,32 USD/ounce, palladium tăng 2,8% lên 2.116,45 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,2% xuống 1.083,49 USD/ounce.
Jim Wyckoff, nhà phân tích của Kitco Metals nhận định, giới đầu tư đang đổ nhiều tiền hơn vào thị trường vàng và bạc như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Ngày 10/11, Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,9% trong tháng 10/2021, mức tăng lớn nhất trong 4 tháng qua. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của Mỹ tăng 6,2% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10/2021, mức cao nhất trong 30 năm.
Các chuyên gia phân tích của Societe Generale dự báo, giá vàng sẽ đạt trung bình 1.950 USD/ounce trong quý I/2022.
Giá nhôm phiên này cũng tăng 1,5% lên 2.701 USD/tấn, thiếc tăng 0,2% lên 37.640 USD/tấn, trong khi kẽm giảm 0,3% xuống 3.270 USD/tấn, chì giảm 0,4% xuống 2.357 USD/tấn, nickel giảm 1% xuống 19.945 USD/tấn.
Việc USD giảm trở lại sau khi kết quả một cuộc khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ vào đầu tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ do lạm phát gia tăng, làm cho mức chi tiêu của các hộ gia đình bị ảnh hưởng. USD giảm khiến kim loại trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Công ty Tư vấn Wood Mackenzie cho biết, nguồn cung điện Trung Quốc hạn chế khiến công suất nhôm hàng năm ở nước này bị cắt giảm 7%, nhưng công suất đồng chỉ giảm 1%.
Giá quặng sắt giảm trong phiên cuối tuần 12/11, tính chung cả tuần giảm tuần thứ 5 liên tiếp do lo ngại về triển vọng nhu cầu nguyên liệu không khả quan ở nước sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc, che mờ hy vọng về nới lỏng hạn chế tài chính đối với tài sản nợ của nước này .
Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết phiên giảm 1,6% xuống 546,50 CNY (85,48 USD)/tấn và cả tuần giảm gần 3%. Trên sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 4,2% xuống 88,65 USD/tấn và cả tuần giảm 3,1%; quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu giao ngay tại Trung Quốc được giao dịch ở mức thấp nhất trong 18 tháng qua là 90 USD/tấn, tức giảm gần 5% trong tuần.
Giá thép phiên 12/11 cũng giảm, với thép thanh vằn giảm 2,3%, đảo ngược mức tăng 5% ở phiên liền trước, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1% và thép không gỉ giảm 2,1%.
Nông sản: Đồng loạt bật tăng
Kết thúc phiên 12/11, giá ngô, đậu tương và lúa mì Mỹ đều tăng. Trong đó, giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 2% do hoạt động mua mang tính kỹ thuật diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu tăng nhanh đối với nguyên liệu thức ăn giàu protein và các rào cản ở khâu hậu cần. Giá ngô và lúa mì kỳ hạn tương lai cũng theo xu hướng tăng do nguồn cung ngũ cốc toàn cầu bị thắt chặt và hoạt động mua mạnh từ các quỹ. Đáng chú ý, giá lúa mì Mỹ đạt mức cao kỷ lục 9 năm.
Cụ thể, đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Chicago tăng 22-3/4 cent (+1,9%) lên 12,44-1/4 USD/bushel, còn đậu tương giao tháng 12/2021 tăng 17,60 USD (+5,1%) lên 362,10 USD/tấn ngắn hạn; ngô giao tháng 12/2021 tăng 7-3/4 cent lên 5,77-1/4 USD/bushel; lúa mì giao tháng 12/2021 tăng 4-1/2 cent lên 8,17 USD/bushel, có thời điểm đã đạt 8,26-3/4 USD/bushel - mức cao nhất kể từ tháng 12/2012 đối với hợp đồng giao dịch nhiều nhất.
Giá đậu tương kỳ hạn đã tăng trên mức trung bình của 100 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 7/2021. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo đã bán 256.930 tấn đậu tương Mỹ cho một khách hàng chưa xác định danh tính, nhưng được đồn là từ Trung Quốc.
Doanh số xuất khẩu hàng tuần của USDA vẫn nằm trong dự đoán. Trong tuần kết thúc ngày 4/11, Mỹ đã bán 10,5 triệu bushel lúa mỳ, 42 triệu bushel ngô và 47,4 triệu bushel đậu tương. Tính từ đầu năm đến nay, Mỹ đã bán được 488 triệu bushel lúa mỳ, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái; 1,262 triệu bushel ngô, giảm 6%; và 1,223 triệu bushel đậu tương, giảm 33%.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường, cà phê và cao su cùng tăng giá
Giá đường phiên cuối tuần 12/11 diễn biến từ vững đến tăng nhẹ, với đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 vững ở 20,12 cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 1,3% lên 529,7 USD/tấn.
Giá cà phê arabica đạt mức cao kỷ lục 7 năm, trong khi cà phê robusta cao nhất trong vòng 10 năm do nguồn cung tiếp tục có dấu hiệu bị thắt chặt và các phân tích kỹ thuật đều cho thấy xu hướng tăng giá.
Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 kết thúc phiên 12/11 tăng 4,4% lên 2,2280 USD/lb, cao nhất kể từ tháng 10/2014. Việc vận chuyển cà phê ở Brazil - nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều hợp đồng giao dịch không được giao đúng hạn, trong khi tồn trữ sụt giảm mạnh, triển vọng nhu cầu tăng và thời tiết khô hạn có thể xảy ra ở châu Mỹ trong năm tới do La Nina… đồng loạt gây áp lực, đẩy giá cà phê arabica tăng lên.
Trên thị trường robusta, giá phiên 12/11 có thời điểm cũng tăng vọt lên 2.313 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu tháng 9/2011, trước khi hạ nhiệt về 2.296 USD/tấn. Các nhà kinh doanh cà phê cho biết, mặc dù những chính sách hạn chế di chuyển để chống Covid-19 ở Việt Nam đã được dỡ bỏ, song nguồn cung lao động vẫn hạn chế và chi phí đầu vào tăng cao, nhất là phân bón, đẩy giá robusta tăng lên.
Giá cao su phiên 12/11 tăng do các nhà đầu tư ngày càng tin rằng áp lực lạm phát do hàng hóa tăng đột biến và chuỗi cung ứng sẽ giảm dần. Cụ thể, cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên Sàn giao dịch Osaka tăng 3,4 JPY (+1,5%) lên 227,1 JPY/kg và cả tuần tăng 3,4%. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 2,2% lên 14.395 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)
(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận